Đẩy mạnh thu hồi tài sản tham nhũng

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo như trên tại hội nghị tổng kết công tác năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016 ngành thanh tra ngày 5-1.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh: V.V.T
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh: V.V.T

Bên cạnh đánh giá cao những đóng góp của ngành thanh tra trong năm 2015, Phó thủ tướng cũng chỉ rõ những yếu kém, bất cập mà ngành cần khắc phục thời gian tới. 

Cụ thể như việc kết luận các vụ việc thanh tra còn chậm, xử lý đơn thư còn lòng vòng, chậm trễ, thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả chưa cao... 

Về phương hướng nhiệm vụ năm 2016, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ngành thanh tra cần tập trung nghiên cứu, giải quyết các vấn đề lớn đang đặt ra thời gian tới như thanh tra hành chính, thanh tra việc khiếu kiện, đơn thư nặc danh và phòng chống tham nhũng... 

Đồng thời thực hiện tốt kế hoạch thanh tra định kỳ, thanh tra đột xuất gắn với việc tập trung vào các vấn đề nóng bỏng mà xã hội đặt ra như thanh tra đất đai, tài chính, xây dựng cơ bản. 

Phó thủ tướng cũng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng. Hoàn thành tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng, tham mưu sửa đổi toàn diện, cơ bản đạo luật này. 

Thanh tra Chính phủ cần tăng cường phối hợp với các cơ quan kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, đẩy mạnh thu hồi tài sản tham nhũng. 

Vừa qua, công tác thu hồi tài sản tham nhũng tuy chưa đạt yêu cầu nhưng đã có tiến bộ, các năm trước đây chỉ thu hồi được trên dưới 20%, đến năm 2015 đã thu hồi được trên 50%. 

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ năm 2016 là năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm (2016-2020) gắn với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. 

Trước hết ngành thanh tra cần tập trung làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, xử lý đơn thư nặc danh, mạo danh, đảm bảo an ninh trật tự trong thời điểm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp. 

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, vừa qua Thanh tra Chính phủ đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chú trọng công tác tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhân sự và công tác chuẩn bị đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng. 

Thanh tra Chính phủ cũng đã làm việc với Ủy ban Kiểm tra trung ương, thống nhất phương án xử lý đối với đơn thư không rõ họ tên, địa chỉ tố cáo lãnh đạo cấp cao nhưng có nội dung cụ thể, đã chuyển 14 đơn thư đến ủy ban kiểm tra trung ương xem xét. 

Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết hiện nay pháp luật bảo vệ, khuyến khích những người tố cáo đúng, vừa qua Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính ban hành quy định khen thưởng người tố cáo, tới đây sẽ ban hành thông tư bảo vệ người tố cáo. 

Mặt khác, những đối tượng lợi dụng đơn thư để bôi nhọ, bêu xấu người khác thì tùy mức độ xử lý thích đáng theo quy định pháp luật. 

 

Xử lý chặt chẽ đơn thư mạo danh 

Trước hiện tượng xuất hiện loại đơn không phải nặc danh mà mạo danh cán bộ của một cơ quan nhà nước nào đó để tố cáo vấn đề liên quan đến nhân sự Đại hội Đảng, thực tế qua xác minh thì trong cơ quan nhà nước đó không hề có cán bộ nào với tên tuổi như vậy, Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh nói: 

“Đối với các loại đơn mạo danh, chúng tôi rất cẩn trọng trong tiếp nhận, xử lý. Sau khi tiếp nhận thì chúng tôi trao đổi với các cơ quan chức năng, đặc biệt ủy ban Kiểm tra trung ương là cơ quan có thẩm quyền về tư cách đại biểu đi dự Đại hội Đảng. 

Thời gian vừa qua, chúng tôi không nhận được nhiều loại đơn này, nếu nhận được thì xử lý chặt chẽ như vừa nêu. Trong đó không loại trừ việc chuyển cơ quan điều tra xem xét, tìm ra đối tượng mạo danh".

Chuyên đề