Đấu thầu tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam: “Người nhà” trúng thầu

(BĐT) - Kết quả lựa chọn nhà thầu qua đấu thầu rộng rãi của nhiều gói thầu do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (TCT Đường sắt) làm chủ đầu tư cho thấy, có những nhà thầu được chọn trúng thầu là những doanh nghiệp dù đã được cổ phần hóa nhưng TCT Đường sắt vẫn nắm cổ phần chi phối trên 51%.
Ban QLDA đường sắt khu vực 1 cho biết, việc đấu thầu tại Tổng công ty Đường sắt đã được cấp trên cho phép thực hiện theo cơ chế riêng bằng văn bản. Ảnh: Hoài Nam
Ban QLDA đường sắt khu vực 1 cho biết, việc đấu thầu tại Tổng công ty Đường sắt đã được cấp trên cho phép thực hiện theo cơ chế riêng bằng văn bản. Ảnh: Hoài Nam

Nhà thầu trúng thầu là “con” của chủ đầu tư!

Theo thống kê của phóng viên Báo Đấu thầu, năm 2016, Ban Quản lý dự án (QLDA) đường sắt khu vực 1 (Bên mời thầu) đã công khai kết quả lựa chọn nhà thầu cho 15 gói thầu, trong đó có 12 gói thầu được đấu thầu rộng rãi và 3 gói thầu thực hiện chỉ định thầu. Trong số 15 gói thầu trên thì có 9 gói thầu do TCT Đường sắt làm chủ đầu tư, 7/9 gói thầu được đấu thầu rộng rãi trong nước và 2 gói thầu thực hiện chỉ định thầu rút gọn. Qua quan sát, phóng viên nhận thấy, dù đấu thầu rộng rãi nhưng có những nhà thầu được lựa chọn là công ty “con” của TCT Đường sắt.

Điển hình là Gói thầu số 2: Sửa chữa lớn cầu Hói km 337+048 thuộc Dự án Sửa chữa định kỳ (sửa chữa lớn) cầu Hói km 337+048 tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM. Nhà thầu trúng thầu là Liên danh Công ty CP Đường sắt Thanh Hóa và Công ty CP Đường sắt Nghệ Tĩnh, với giá trúng thầu gần 7.336 triệu đồng (giá gói thầu hơn 7.382 triệu đồng, chênh lệch giảm 46 triệu đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu rộng rãi rất thấp 0,6%). Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, cả 2 thành viên liên danh của nhà thầu trúng thầu gói thầu này đều là công ty con của TCT Đường sắt. Hiện tại TCT Đường sắt đang là đại diện của cơ quan nhà nước nắm giữ hơn 51% cổ phần của 2 công ty này.

Còn tại Gói thầu số 02: Thi công xây dựng Công trình sửa chữa lớn cầu Dành Km 91+983, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM. Nhà thầu trúng thầu qua đấu thầu rộng rãi là Liên danh Công ty CP Đầu tư công trình Hà Nội - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Công trình 3 - Công ty CP Đường sắt Hà Ninh. Giá trúng thầu gói thầu này gần 10.751 triệu đồng, giá gói thầu hơn 10.910 triệu đồng (giảm 159 triệu đồng qua đấu thầu rộng rãi, tương đương đạt tỷ lệ tiết kiệm 1,5%). Trong 3 thành viên liên danh của nhà thầu trúng thầu thì Công ty CP Đường sắt Hà Ninh là công ty “con” của TCT Đường sắt.

Cả 3 công ty “con” nêu trên được chuyển từ công ty TNHH MTV do TCT Đường sắt sở hữu 100% vốn điều lệ sang công ty CP do TCT Đường sắt nắm giữ cổ phần chi phối. Một số cán bộ của Công ty CP Đường sắt Thanh Hóa, Công ty CP Đường sắt Nghệ Tĩnh, Công ty CP Đường sắt Hà Ninh đều khẳng định với phóng viên Báo Đấu thầu, hiện tại họ đã thi công xong phần lớn các gói thầu trên, đang chờ chủ đầu tư là TCT Đường sắt nghiệm thu và làm thủ tục thanh, quyết toán. 

Bên mời thầu nói gì?

Năm 2016, Ban QLDA đường sắt khu vực 1 đã công khai kết quả lựa chọn nhà thầu 12 gói thầu được đấu thầu rộng rãi. Tuy nhiên, dù đấu thầu rộng rãi nhưng có những nhà thầu được lựa chọn lại là công ty “con” của TCT Đường sắt.
Theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 6 Luật Đấu thầu 2013: nhà thầu tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với chủ đầu tư, bên mời thầu. Tại Khoản 4 Điều 2 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP cũng quy định: “Nhà thầu được đánh giá độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với nhà thầu khác; với nhà thầu tư vấn; với chủ đầu tư, bên mời thầu quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 6 của Luật Đấu thầu khi đáp ứng các điều kiện sau đây: a) Không cùng thuộc một cơ quan hoặc tổ chức trực tiếp quản lý đối với đơn vị sự nghiệp; b) Nhà thầu với chủ đầu tư, bên mời thầu không có cổ phần hoặc vốn góp trên 30% của nhau”.

Việc 3 công ty gồm Công ty CP Đường sắt Thanh Hóa, Công ty CP Đường sắt Nghệ Tĩnh, Công ty CP Đường sắt Hà Ninh tham gia các gói thầu thi công xây dựng, sửa chữa do TCT Đường sắt làm chủ đầu tư có đảm bảo các quy định nêu trên khi mà TCT Đường sắt đang nắm giữ cổ phần nhà nước chi phối ở 3 công ty này? Khi phóng viên đặt câu hỏi với một vài cán bộ liên quan ở 3 công ty nêu trên về việc có biết quy định này khi tham gia đấu thầu các gói thầu do TCT Đường sắt làm chủ đầu tư thì câu trả lời là “nhà thầu chỉ biết tham gia đấu thầu, chọn ai trúng thầu là việc của bên mời thầu và chủ đầu tư”.

Trả lời phóng viên Báo Đấu thầu, một lãnh đạo của Ban QLDA đường sắt khu vực 1 cho biết, việc sửa chữa, thi công xây dựng các hạng mục công trình đường sắt có những đặc thù riêng như vừa thi công, vừa triển khai việc chạy tàu... Ban đã mời đấu thầu rộng rãi thì tất cả các nhà thầu đều có thể tham gia dự thầu. Khi phóng viên đặt câu hỏi, việc cho phép các công ty mà TCT Đường sắt đang nắm cổ phần chi phối tham gia chính các gói thầu do TCT Đường sắt làm chủ đầu tư có vi phạm quy định về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu và thực tế cũng đã cho thấy đa số nhà thầu trúng thầu đều là các công ty “con” của TCT Đường sắt thì vị Lãnh đạo này trả lời rằng: “Việc đấu thầu tại TCT Đường sắt đã được cấp trên cho phép thực hiện theo cơ chế riêng bằng văn bản. Đó cũng là cơ sở để chúng tôi tổ chức đấu thầu và lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu nêu trên”.

Chuyên đề