Đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà thầu cung cấp thiết bị chuyên dùng

(BĐT) - Đối với các thiết bị chuyên dùng không phải là hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường, việc chủ đầu tư lựa chọn hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế là cần thiết và phù hợp với quy định của pháp luật đấu thầu, đồng thời bảo đảm tính cạnh tranh, hiệu quả kinh tế của gói thầu.
Đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà thầu cung cấp thiết bị chuyên dùng

Hỏi: Công ty chúng tôi là doanh nghiệp nhà nước, đang chuẩn bị tiến hành dự án đầu tư hệ thống thiết bị chuyên dùng phục vụ việc khai thác khoáng sản sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp. Thiết bị chuyên dùng này hiện Việt Nam chưa sản xuất được; chỉ được nhập khẩu khi có nhu cầu và trước đây đã từng được nhập khẩu để cung cấp cho một số dự án. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu cũng chỉ được thực hiện bởi một vài doanh nghiệp Việt Nam được hãng sản xuất ủy quyền phân phối. Vậy trong trường hợp này, Công ty chúng tôi có được phép áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà thầu cung cấp thiết bị chuyên dùng phục vụ việc khai thác khoáng sản nhằm tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu hay không? 

Trả lời: Luật Đấu thầu năm 2013 (Điều 15 Khoản 1) quy định việc tổ chức đấu thầu quốc tế chỉ được thực hiện khi đáp ứng một trong các điều kiện sau đây: (i) nhà tài trợ vốn cho gói thầu có yêu cầu tổ chức đấu thầu quốc tế; (ii) gói thầu mua sắm hàng hóa mà hàng hóa đó trong nước không sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, giá. Trường hợp hàng hóa thông dụng, đã được nhập khẩu và chào bán tại Việt Nam thì không tổ chức đấu thầu quốc tế; (iii) gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, hỗn hợp mà nhà thầu trong nước không có khả năng đáp ứng yêu cầu thực hiện gói thầu.

Đối với trường hợp này, mặc dù thiết bị chuyên dùng phục vụ việc khai thác khoáng sản đã được nhập khẩu và chào bán tại Việt Nam, nhưng việc nhập khẩu này không mang tính thường xuyên, thiết bị nhập khẩu không bán rộng rãi trên thị trường mà chỉ nhập khẩu theo từng đơn hàng cụ thể khi có nhu cầu. Nếu chỉ dựa vào quy định “hàng hóa thông dụng, đã được nhập khẩu và chào bán tại Việt Nam thì không tổ chức đấu thầu quốc tế” để cho rằng thiết bị khai thác khoáng sản đã được nhập khẩu và chào bán tại Việt Nam để áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước là không phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu, không bảo đảm tính cạnh tranh và hiệu quả kinh tế.

Chúng ta thấy rằng, thiết bị khai thác khoáng sản mặc dù đã được nhập khẩu và chào bán tại Việt Nam nhưng đây không phải là hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường. Nếu tổ chức đấu thầu trong nước thì sẽ chỉ có rất ít nhà thầu trong nước (là nhà cung cấp theo ủy quyền của nhà sản xuất nước ngoài) tham dự thầu. Điều này đồng nghĩa với việc không bảo đảm tính cạnh tranh trong đấu thầu do có ít nhà thầu tham dự, từ đó dẫn đến không bảo đảm hiệu quả kinh tế của gói thầu.

Như vậy, đối với trường hợp nói trên, việc chủ đầu tư lựa chọn hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế là cần thiết và phù hợp với quy định của pháp luật đấu thầu, đồng thời bảo đảm tính cạnh tranh, hiệu quả kinh tế của gói thầu.

Chuyên đề