Đảm bảo tính khả thi của quy hoạch

(BĐT) - Giải trình trước các đại biểu Quốc hội về Dự án Luật Quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, do cách tiếp cận và thói quen của một số cơ quan, cá nhân, nên Dự án Luật mặc dù được đề xuất từ lâu nhưng vẫn không thống nhất được và phải dừng lại. 
Quy hoạch tổng thể quốc gia phải được ưu tiên làm trước để đảm bảo tính thống nhất, tránh chồng chéo trong xây dựng và thực hiện quy hoạch. Ảnh: Lê Tiên
Quy hoạch tổng thể quốc gia phải được ưu tiên làm trước để đảm bảo tính thống nhất, tránh chồng chéo trong xây dựng và thực hiện quy hoạch. Ảnh: Lê Tiên

Đến nay, cơ quan soạn thảo thấy rằng không thể chậm trễ hơn được nữa và Dự án Luật cần được ban hành trong thời gian sớm nhất để đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn. 

Quy hoạch phải đồng bộ từ trên xuống dưới

Tại Hội trường Quốc hội, rất nhiều đại biểu đã bày tỏ đồng thuận cao với sự cần thiết và cấp bách của việc ban hành Luật Quy hoạch nhằm khắc phục 5 hạn chế, yếu kém trong công tác lập quy hoạch thời gian qua mà Chính phủ đã nêu ra. Dự án Luật sẽ là giải pháp quan trọng để đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) nhấn mạnh nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch là cần phải được thực hiện thống nhất, đồng bộ, tránh tình trạng thường xuyên thay đổi, phá vỡ quy hoạch như trong thời gian vừa qua. Đại biểu này đề nghị, cần lập quy hoạch tổng thể quốc gia để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống quy hoạch trong cả nước, tránh tình trạng quản lý chia cắt cục bộ, thiếu liên kết vùng và liên kết các địa phương và sản phẩm ngành; tạo không gian phát triển thống nhất, khắc phục sự mâu thuẫn giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng, ngành và quy hoạch cấp tỉnh.

Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) bày tỏ tán thành với việc quy hoạch được lập theo thứ tự từ trên xuống dưới, quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị nông thôn trên cả nước; quy hoạch cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch cấp trên. Quy định này nếu được thực hiện sẽ đảm bảo tính thống nhất trong quy hoạch, tránh chồng chéo, lãng phí trong xây dựng và thực hiện quy hoạch, hạn chế tình trạng manh mún, chắp vá trong quy hoạch, có như vậy mới tạo cho đất nước một bộ mặt khang trang, đồng bộ từ thành thị đến nông thôn. Tuy nhiên, để làm được như vậy, đại biểu tỉnh Hà Nam này nhấn mạnh, cần đảm bảo nguyên tắc quy hoạch cấp trên phải có trước quy hoạch cấp dưới, đặc biệt là quy hoạch tổng thể quốc gia phải được ưu tiên làm trước. Có như vậy mới nâng cao trách nhiệm của Chính phủ với tư cách là cơ quan quản trị quốc gia đối với tương lai phát triển của quốc gia và đúng với tinh thần Chính phủ kiến tạo không gian phát triển.

“Chúng ta cần mạnh dạn quy định một cách dứt khoát là khi chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia thì chưa được lập quy hoạch ngành, vùng, địa phương. Ngược lại, muốn điều chỉnh quy hoạch ngành, vùng, địa phương thì phải điều chỉnh quy hoạch tổng thể quốc gia. Quy định như vậy sẽ đảm bảo tính nghiêm minh trong quản lý quy hoạch” – đại biểu Tiến khẳng định quan điểm. 

Thống nhất trong quản lý quy hoạch

Dự án Luật sẽ được hoàn chỉnh bố cục chặt chẽ hơn và chú trọng đến việc xác định các nội dung cụ thể gắn với trách nhiệm của từng cấp quản lý và phù hợp với từng quy hoạch
Đối với nội dung quản lý nhà nước về quy hoạch, đại biểu Phùng Đức Tiến cho rằng, cần bổ sung một nội dung hết sức quan trọng là Nhà nước ban hành bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch chung cho quốc gia để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong các quy hoạch. “Ở các nước, quy hoạch hệ thống đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông rất đồng bộ và in đậm bản sắc văn hóa, dấu ấn quốc gia. Trong khi ở nước ta, mỗi địa phương quy hoạch một kiểu, bộ mặt đô thị mỗi nơi một vẻ, nhìn chung là chắp vá, lai căng, không có bản sắc, dấu ấn riêng. Do vậy, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng thống nhất cho hoạt động quy hoạch trên phạm vi cả nước” – đại biểu Tiến đề xuất.

Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu (TP. Hà Nội), Dự thảo Luật cần nghiên cứu sâu để hình thành các quy định về cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà nước, lập và tổ chức thực hiện quy hoạch vùng, lãnh thổ khi vùng này không có cơ cấu tổ chức quản lý như một đơn vị hành chính, nhất là ở khâu tổ chức thực hiện. Bởi nếu không làm tốt việc này, dễ xảy ra tình trạng đùn đẩy, bất hợp tác, mạnh ai nấy làm trong quá trình các địa phương thực hiện quy hoạch vùng.

Đặc biệt, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nêu ý kiến: Dự thảo Luật cần phải thiết kế một chương riêng về quản lý nhà nước về quy hoạch, vì đây là những nội dung liên quan đến thẩm quyền, xác định trách nhiệm quản lý, phân cấp, phân quyền, ủy quyền của các cơ quan nhà nước.

Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu những nguyên tắc cơ bản trong việc xây dựng Dự án Luật, trong đó phải đảm bảo nguyên tắc khách quan, hiện đại, có tính dự báo và kịp thời, ổn định lâu dài, đảm bảo tính khả thi của quy hoạch cũng như quản lý chặt chẽ quy hoạch trong quá trình thực hiện và tính công khai, minh bạch của quy hoạch. “Dự án Luật sẽ được hoàn chỉnh bố cục chặt chẽ hơn và chú trọng đến việc xác định các nội dung cụ thể gắn với trách nhiệm của từng cấp quản lý và phù hợp với từng quy hoạch” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Chuyên đề