“Đại gia” thủy sản Tòng “Thiên Mã” tiếp tục hầu tòa

Ngày 10/9, TAND TP Cần Thơ tiếp tục mở phiên tòa sơ thẩm xét xử “đại gia” thủy sản Tòng Thiên Mã, sau nhiều ngày tạm hoãn để điều tra bổ sung.

Các bị cáo trước vành móng ngựa

Các bị cáo trong vụ án gồm: Phan Bá Tòng (tức Tòng "Thiên Mã", 44 tuổi), Giám đốc Công ty Thiên Mã và Trần Thị Diễm (48 tuổi), nguyên Kế toán Trưởng Công ty bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo Nguyễn Thị Mai (61 tuổi), nguyên Trưởng Phòng tín dụng xuất khẩu, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) Chi nhánh Cần Thơ, Lâm Chí Công (42 tuổi), nguyên Phó Phòng tín dụng xuất khẩu, VDB Cần Thơ và Huỳnh Thanh Trúc (38 tuổi), nguyên cán bộ tín dụng, VDB Cần Thơ về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, trong quá trình vay vốn xuất khẩu, với số tiền vay từ 13 khế ước nhận nợ của hợp đồng tín dụng xuất khẩu hạn mức số 02/2009, bị cáo Tòng đã sử dụng khoản tiền này để trả nợ tại các ngân hàng khác và dùng vào mục đích cá nhân.

Tòng bị cáo buộc đã chiếm đoạt hơn 147 tỷ đồng tiền vốn gốc và lãi để sử dụng vào các mục đích cá nhân bằng các thủ đoạn như lập giả báo cáo kết quả kinh doanh; tạo dựng các hợp đồng, chứng từ mua bán khống,…

Bị cáo Diễm, với vai trò là kế toán trưởng, theo sự chỉ đạo của Tòng đã tích cực giúp sức, trực tiếp lập giả báo cáo kết quả kinh doanh từ lỗ thành lãi, ký duyệt trên các chứng từ, bảng biểu lập khống trong các hồ sơ xin vay, hồ sơ xin giải ngân vay vốn.

Bị cáo Mai, Công, Trúc là những người có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc thẩm định, xét duyệt, đề xuất cho Công ty Thiên Mã vay vốn nhưng không làm đúng theo quy định về điều kiện vay vốn tín dụng xuất khẩu, quy chế quản lý vốn tín dụng xuất khẩu… dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Trong phiên tòa sáng nay, đại diện VKS đã công bố kết quả điều tra bổ sung về các nội dung theo yêu cầu làm rõ của TAND TP Cần Thơ của VKS Nhân dân tối cao.

Theo đó, về tội danh, các bị cáo Mai, Công, Trúc được xác định là Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng nên không cần thiết phải trưng cầu giám định chuyên môn của Ngân hàng. Bởi, việc vay vốn tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của VDB không chịu sự điều chỉnh của Luật các tổ chức tín dụng và Quyết định số 162 của Thống đốc Ngân hàng mà chịu sự điều chỉnh, chỉ đạo trực tiếp thông qua một số các văn bản như Nghị định số 151 của Chính phủ về cơ chế cho vay vốn tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước; Thông tư số 69 hướng dẫn VDB thực hiện một số điều của Nghị định 151.

"Đại gia" thủy sản Tòng "Thiên Mã" bên chiếc hầm hố với biển tứ quý 3.

Về việc yêu cầu giám định tài chính, định giá tài sản thế chấp đối với công ty Thiên Mã là không cần thiết vì theo VKS Nhân dân tối cao, trong quá trình điều tra đã xác định rõ việc Tòng dùng thủ đoạn gian dối để vay, sử dụng tiền vay,.. từ đó đã đủ cơ sở xác định thiệt hại của Ngân hàng VDB Cần Thơ. Đồng thời, từ Quyết định trưng cầu định giá tài sản của Cơ quan điều tra và kết luận định giá tài sản của hội đồng định giá cho thấy, tất cả tài sản thế chấp đều đã được định giá theo thời điểm thế chấp và thời điểm vụ án được khởi tố, điều tra. Hiện không còn tài sản nào được dùng để thế chấp mà chưa được giám định.

Về số tiền bị cáo Tòng chiếm đoạt, qua quá trình xác minh làm rõ, VKS Nhân dân tối cao cho rằng, bị cáo Tòng chiếm đoạt số tiền của Ngân hàng VDB là hơn 120 tỷ đồng do đã được trừ vào các tài sản Công ty đã thế chấp.

Sau phần công bố cáo trạng cũng như kết quả điều tra bổ sung của VKS Nhân dân tối cao, bị cáo Tòng trình bày không đồng ý với cáo trạng đã quy kết. Bị cáo cho rằng số tiền 140 tỷ vay từ Ngân hàng được bị cáo dùng vào đúng với mục đích khi vay. Bị cáo thừa nhận mình đã lập khống báo cáo tài chính nhưng các hóa đơn chứng từ là có thật.

Chuyên đề