Đại biểu đề nghị tội phạm tham nhũng phải bồi thường xong mới được xét đặc xá

Nhiều ý kiến đề nghị đối với các tội phạm về tham nhũng, tội phạm về kinh tế thì phải thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường mới được xét đặc xá.
Bộ trưởng Tô Lâm tại cuộc họp. Ảnh: VGP.
Bộ trưởng Tô Lâm tại cuộc họp. Ảnh: VGP.

Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận trong phiên họp toàn thể tại Hội trường diễn ra vào sáng 11/6. Trong đó, nhiều đại biểu tranh cãi về điều kiện được hưởng đặc xá.

Một trong những điều kiện để phạm nhân được hưởng đặc xá, theo điều 10 Luật Đặc xá sửa đổi quy định "điểm d)Đã thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác, trừ trường hợp có thỏa thuận bằng văn bản không yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc đồng ý bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá".

"Đối với nhóm tội về tham nhũng và nhóm tội về chiếm đoạt thì một trong những yêu cầu quan trọng nhất là phải thu hồi tài sản tham nhũng, thu hồi tài sản chiếm đoạt cho người bị hại", đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) cũng bày tỏ.

Do vậy, theo ông Chính, nếu chấp nhận phương án thỏa thuận bồi thường thiệt hại hoặc đồng ý bồi thường sau khi đặc xá thì sẽ không khả thi, không thể thu hồi tài sản cho nhà nước, cho tổ chức, cá nhân bị chiếm đoạt. Ông Chính cho rằng có chăng quy định này chỉ nên áp dụng với một số tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe người khác theo Bộ luật Hình sự năm 2015.

Không hoàn toàn phản đối, đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) cho rằng điều kiện trên chỉ nên áp dụng với người có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại trong quá trình thi hành án. Bởi theo bà, thực tế có những phạm nhân hoàn cảnh khó khăn, vào tù xong mất kế sinh nhai, thậm chí không có người thăm nuôi. Song ngược lại nhiều phạm nhân lại có điều kiện về tài chính.

Tuy nhiên bà Hiền lưu ý, quy định này có thể dẫn tới sự lạm dụng để lẩn tránh nghĩa vụ bồi thường khi bên bồi thường là cơ quan, tổ chức và khoản tiền bồi thường thuộc tài sản công.

Vì vậy, vị đại biểu cho rằng cần cân nhắc về tính pháp lý của thoản thuận bồi thường bên cạnh bồi thường có thể là cá nhân, pháp nhân bao gồm cả cơ quan, tổ chức. Khoản tiền hoặc tài sản phải bồi thường có thể thuộc sở hữu tư nhân nhưng cũng có thể là tài sản công.

Như vậy, để chặt chẽ hơn, ngăn ngừa sự lạm dụng, làm thất thoát tài sản công, bà Hiền đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc phân ra thành các trường hợp bồi thường theo cá nhân hoặc tổ chức. Các cá nhân sẽ tự quyết định thỏa thuận bồi thường nhưng đối với tổ chức, cơ quan nhà nước, tiền bồi thường là tài sản công... cần làm rõ ai là người chịu trách nhiệm về việc đồng ý ký thỏa thuận bồi thường sau đặc xá.

Ở điểm c, điều 10 này cũng quy định đặc xá trong trường hợp "Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, đã nộp án phí. Trường hợp chưa chấp hành xong thì do Chủ tịch nước xem xét, quyết định".

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) cho rằng nên bỏ quy định này đi, phải bắt buộc thực hiện xong tiền phạt và án phí đối với mọi tội phạm. "Quy định này rất có ý nghĩa đối với các động cơ phạm tội là tiền và tài sản, như các loại tội xâm phạm quyền sở hữu, tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế hay tội tham nhũng...", bà Trang nêu quan điểm.

Bà Trang cho rằng đối với những loại tội này thì nhất định phải thực hiện xong hình phạt tiền và án phí rồi mới được xem xét đặc xá. Theo bà, không nên trao cho Chủ tịch nước trách nhiệm xem xét mức độ thực hiện hình phạt tiền án phí của từng người một, trong số hàng nghìn người, như vậy quá chi ly, không cần thiết và không khả thi.

Trường hợp đặc biệt cần đặc xá để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại, theo bà Trang đều đã được quy định tại Chương III của dự thảo. Việc bỏ quy định xem xét đặc xá trường hợp này góp phần đảm bảo được tính công khai, minh bạch và công bằng trong quá trình thực hiện đặc xá.

Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) sẽ tiếp tục xem xét, chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay.

Chuyên đề