Đã hạn chế oan sai, tồn đọng án

(BĐT) - Tại ngày làm việc cuối cùng của Phiên họp thứ 45 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, toàn ngành tòa án đã có nhiều nỗ lực khắc phục hạn chế trong hoạt động xét xử, hạn chế oan, sai, tồn đọng án.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 45. Ảnh: Phương Hoa
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 45. Ảnh: Phương Hoa

Khắc phục hạn chế trong hoạt động xét xử

Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) về công tác của các tòa án trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đánh giá, về cơ bản các tòa án đã triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm công tác đã đề ra. Mặc dù số lượng các loại vụ án mà tòa án phải thụ lý giải quyết trong nhiệm kỳ qua là rất lớn và có xu hướng gia tăng, tính chất các vụ án ngày càng phức tạp, nhưng với việc chủ động nắm bắt tình hình, đề ra nhiều giải pháp và tổ chức thực hiện quyết liệt tại tòa án các cấp nên kết quả giải quyết, xét xử các loại vụ án tiếp tục có sự chuyển biến tích cực.

Ghi nhận hoạt động của ngành tòa án trong 5 năm qua, ông Phan Trung Lý đánh giá cao vai trò của Ngành trong việc đề xuất mô hình. Trước đó, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 08-NQ/TW năm 2002 về “Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp thời gian tới”, Nghị quyết 49-NQ/TW năm 2005 về "Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020" đã nêu vấn đề mô hình tổ chức hoạt động của tòa án, như tổ chức tòa án theo cấp xét xử, thêm tòa án cấp cao, tổ chức thêm các tòa chuyên trách… “Đó là những chủ trương lớn, cùng với tổng kết và nỗ lực của ngành tòa án mà trong nhiệm kỳ này, chúng ta mới thực hiện được. Đặc biệt, khi triển khai thể chế hóa 2 nghị quyết nêu trên, một số nội dung bị bàn đi, bàn lại nên bị đẩy lùi, chưa thực hiện được, nhưng riêng trong lĩnh vực của ngành tòa án thì đã có rất nhiều cố gắng để thể chế hóa được các chủ trương của Đảng”, ông Phan Trung Lý đánh giá.

Theo dự kiến chương trình, Kỳ họp thứ 11 sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng, báo cáo của Chánh án TANDTC cần tạo điểm nhấn tập trung vào việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; làm rõ công tác xét xử của tòa án đã góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng như thế nào; tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa qua các vụ án, qua các công tác xét xử...  Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, Báo cáo cần bổ sung làm nổi bật vai trò, vị trí của tòa án trong hệ thống tư pháp, những điểm mới trong công tác cải cách tư pháp cần được nhấn mạnh hơn nữa như việc tranh tụng trong xét xử, suy đoán vô tội...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, ngành tòa án cần nêu ra được các bài học kinh nghiệm trong Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ, vì kinh nghiệm của ngành tòa án rất quan trọng. Đồng thời, Báo cáo cũng cần hoàn thiện theo hướng đánh giá kết quả, ý nghĩa hoạt động của ngành tòa án trong nhiệm kỳ qua.

“5 năm vừa rồi, nhân dân có tin tưởng hơn với hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân không?”. Tôi chưa thấy có câu nào nói về vấn đề này. Tuy Viện kiểm sát nhân dân tối cao là độc lập nhưng là cơ quan do Quốc hội lập ra nên phải xem đã thực hiện nghiêm, đầy đủ các nghị quyết của Quốc hội hay chưa. Đây không phải báo cáo kể công việc của Viện kiểm sát nhân dân 5 năm vừa rồi, mà phải đi sâu vào đánh giá, suy nghĩ kỹ hoạt động của ngành mình trong 5 năm qua, để từ đó rút ra gì cho ngành mình tiếp tục phát triển” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu. 

Dành thời gian bàn công tác nhân sự

Phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Kỳ họp thứ 11 sẽ khai mạc vào nửa cuối tháng 3 tới sẽ tập trung vào 4 nhóm vấn đề: xây dựng pháp luật; phương hướng phát triển kinh tế-xã hội; tổng kết hoạt động nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và công tác nhân sự.

Theo dự kiến chương trình, Kỳ họp thứ 11 sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật gồm: Luật Tiếp cận thông tin; Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật Báo chí (sửa đổi); Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật Dược (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi). Ngoài ra, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Biểu tình tại Kỳ họp này.

Ngoài ra, Quốc hội sẽ dành 3 ngày ở Kỳ họp thứ 11 để cho ý kiến về vấn đề nhân sự (từ ngày 6 đến 8/4). Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, thời gian 3 ngày có thể không đủ, nên phải làm chương trình, điều hành chi tiết, thậm chí phải tính tới phương án kéo dài đến ngày 10/4. “Tôi không tin trong 3 ngày các đồng chí làm xong vì quy trình rất phức tạp” - ông Nguyễn Sinh Hùng nêu quan điểm.

Liên quan đến vấn đề có nên thực hiện tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 11 hay không, ông Nguyễn Sinh Hùng cho biết, sẽ thống nhất trước mỗi kỳ họp cần tiến hành tiếp xúc cử tri, nên phải bố trí Đoàn và đại biểu Quốc hội thực hiện. Theo đó, buổi tiếp xúc cử tri tới đây tập trung vào các nội dung: báo cáo chương trình kỳ họp; báo cáo công tác tổng kết nhiệm kỳ. Đồng thời, có thể báo cáo về hoạt động của Đoàn, cũng có thể cả các đại biểu Quốc hội vì nhiệm kỳ vừa kết thúc.

Chuyên đề