Có chuyện “ém” thông tin về sự cố công trình?

(BĐT) - Sau nhiều sự cố nghiêm trọng xảy ra tại một số công trình xây dựng, doanh nghiệp và người dân đang rất mong chờ sự việc sớm được làm sáng tỏ. Lúc này, sự chần chừ, lưỡng lự hay vì một lý do nào đó mà cơ quan chức năng chưa thể công bố nguyên nhân sự cố cũng sẽ khiến dư luận đặt dấu hỏi.
Dư luận luôn mong chờ nguyên nhân sự cố các công trình xây dựng sớm được công bố. Ảnh: Nguyễn Hiệp
Dư luận luôn mong chờ nguyên nhân sự cố các công trình xây dựng sớm được công bố. Ảnh: Nguyễn Hiệp

Chất lượng công trình có đảm bảo?

Thời gian qua, tại một số công trình xây dựng lớn đã xảy ra nhiều sự cố nghiêm trọng gây bức xúc dư luận. Điển hình như, sự cố đổ cột điện trên đường dây 500kV đoạn qua Bắc Giang; sự cố cọc nghiêng lệch tim tại Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang.

Tuy nhiên, điều mà dư luận ­­bức xúc hơn cả chính là sau một khoảng thời gian dài xảy ra những sự cố này, các cơ quan chức năng vẫn “không chịu” công bố nguyên nhân sự việc.

Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang có tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng do Liên danh nhà thầu Công ty TNHH Trường Phát và Công ty CP Tư vấn khảo sát thiết kế xây dựng Hà Nội thi công. Sự cố hơn 136 cọc bị nghiêng lệch tim xảy ra tại dự án này được phát hiện từ tháng 11/2015, nhưng đến thời điểm này, sau hơn 7 tháng, cơ quan chức năng vẫn chưa công bố nguyên nhân. Trong thời gian chờ kết luận chính thức, quá trình khắc phục vẫn được giao cho nhà thầu để xảy ra sự cố.

Trao đổi về việc khắc phục sự cố công trình này với Báo Đấu thầu chiều ngày 5/7, ông Vương Đức Trường, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Trường Phát, đại diện Liên danh nhà thầu cho biết: “Đến nay, chúng tôi đã khắc phục được khoảng 90% số cọc bị nghiêng. Dự kiến, trong khoảng 1 tuần nữa là hoàn thành công tác khắc phục sự cố”.

Theo ông Trường, sau khi chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu khắc phục sự cố, nhà thầu đã thay đổi phương pháp ép cọc bằng  máy theo phương pháp khoan cọc. “Thời gian để nhà thầu khắc phục sự cố là khoảng 2,5 tháng. Mặc dù chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân sự cố, nhưng để đảm bảo tiến độ công trình, toàn bộ kinh phí khắc phục do nhà thầu chịu. Khi nguyên nhân sự cố được làm rõ, lỗi thuộc bên nào (nhà thầu thi công, nhà thầu khảo sát thiết kế…) thì bên đó chịu trách nhiệm” – ông Trường thông tin.

Chia sẻ khó khăn về việc “chờ mãi” mà cơ quan chức năng (Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng thuộc Bộ Xây dựng) chưa công bố nguyên nhân sự cố công trình này, ông Trường nóng lòng: “Đến nay, chúng tôi đã khắc phục gần xong sự cố nhưng vẫn chưa thấy có kết luận nguyên nhân”.

Đề cập lý do tại sao cơ quan chức năng lại chậm trễ công bố nguyên nhân sự cố công trình, vị đại diện liên danh nhà thầu này cho rằng: “Có lẽ họ cũng không dám kết luận một cách cảm tính, mà phải dựa vào các kết quả khảo sát, nghiên cứu khoa học để có kết quả chính xác”.

Mặc dù đến nay nguyên nhân sự cố cọc bị nghiêng của công trình này chưa được cơ quan chức năng kết luận, song UBND tỉnh Kiên Giang đã cho phép đơn vị thi công tiếp tục thi công những hạng mục không liên quan đến số cọc bị nghiêng. “Đến nay, khối lượng công việc của gói thầu do đơn vị thực hiện đã gần hoàn thành, đạt gần 100% khối lượng”, ông Trường thông tin.

Nóng lòng chờ làm rõ

Người dân luôn muốn biết đồng tiền của họ được sử dụng có hiệu quả và hợp lý hay không. Song, đáng buồn là sau nhiều “sự cố” nghiêm trọng nêu trên, người dân chỉ biết “ngóng đợi” mà chưa biết tới khi nào mới biết rõ được nguyên nhân là “vì đâu”. 
Liên quan đến việc làm rõ nguyên nhân sự cố đổ cột điện đường dây 500 kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa xảy ra tại Bắc Giang vào tháng 4 vừa qua, tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Đây là sự cố bất thường trong điều kiện thời tiết không quá khác thường”. Theo đó, ngay sau sự cố này, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia – chủ đầu tư Dự án Đường dây 500 kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa kiểm tra hiện trường, khắc phục sự cố. Bộ Công Thương cũng đã tổ chức một đoàn thanh tra vụ việc với sự tham gia của các đơn vị liên quan để làm rõ nguyên nhân sự cố bất thường này. Tuy nhiên, hiện nguyên nhân sự cố vẫn chưa được các cơ quan chức năng công bố, dù sự việc đã xảy ra hơn 3 tháng.

Trước yêu cầu cần phải công khai, minh bạch về thông tin cho doanh nghiệp và người dân về tình hình thực hiện các dự án xây dựng hiện nay, trao đổi với Báo Đấu thầu, một chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: “Người dân luôn muốn biết đồng tiền của họ được sử dụng có hiệu quả và hợp lý hay không”. Song, đáng buồn là sau nhiều “sự cố” nghiêm trọng nêu trên, người dân chỉ biết “ngóng đợi” mà chưa biết tới khi nào mới biết rõ được nguyên nhân là “vì đâu”. Vị chuyên gia này cũng khẳng định: “Nếu cơ quan có thẩm quyền đã “hứa” làm rõ nguyên nhân sự cố thì phải thực hiện công bố thông tin để người dân được biết và tham gia giám sát. Trường hợp có kết quả sự cố mà cơ quan chức năng không thực hiện công bố thì có thể được coi là ém thông tin”.

Khẳng định tinh thần xử lý nghiêm hành vi sai phạm pháp luật về quản lý xây dựng, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “TP. Hà Nội phải cương quyết xử lý vụ việc vi phạm của chủ đầu tư công trình nhà 8B Lê Trực. Tôi đã nghe Chủ tịch Hà Nội báo cáo là chủ công trình này đã mấy chục lần vi phạm hành chính nhưng chưa xử lý hình sự”. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: “Hà Nội phải lấy công trình này làm điểm để chấn chỉnh kỷ cương trong trật tự xây dựng đô thị, xây dựng Thủ đô văn minh lịch sự”.

Chuyên đề