Chủ đầu tư “nhái” tên công ty lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

(BĐT) - Cuối năm 2014, trong bối cảnh thị trường bất động sản bắt đầu hồi phục, nhiều dự án được triển khai và giao dịch khá sôi động, Công ty CP Thi công cơ giới và Xây dựng 71 (Công ty 71) cũng tìm mối tham gia vào Dự án Green House (Hoài Đức, Hà Nội).
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Lợi dụng trùng tên doanh nghiệp, chiếm đoạt 33 tỷ đồng

Dự án Green House có quy mô 131.000m2 với dân số gần 3.000 người, có 128 lô nhà liền kề, 72 lô biệt thự, cách Trung tâm Hội nghị quốc gia 6 km. Trong đó, diện tích đổi lấy đất theo số tiền xây dựng hạ tầng 55 tỷ đồng là 7.534m2.

Ông Nguyễn Khánh Trình, đại diện Công ty 71 đã ký hợp đồng kinh tế về việc “ứng vốn thi công hạ tầng” Dự án với Công ty CP Đầu tư Sông Đà Toàn Cầu do Nguyễn Thanh Tường đại diện.

Công ty CP Đầu tư Sông Đà Toàn Cầu góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Công ty 71 sẽ ứng vốn thi công hạ tầng trên diện tích 131.000m2 giai đoạn 1 của Dự án và được đổi đất theo phần thi công hạ tầng là 7.534 tỷ đồng, bao gồm 30 nhà liền kề, 15 nhà biệt thự. Trên cơ sở thỏa thuận này, Công ty 71 đã huy động vốn của các khách hàng dưới hình thức ký “hợp đồng giữ đất”. Theo sổ sách của Công ty 71, Công ty thu tiền của 113 người với số tiền 191 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau một thời gian dài, các khách hàng không thấy Dự án triển khai; khách hàng nghi ngờ bị lừa đảo, tố cáo ra cơ quan công an.

Qua điều tra, Dự án Green House được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vào năm 2008, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Sông Đà Toàn Cầu (sau đổi tên thành Công ty CP Đầu tư phát triển và Xây lắp Hòa Bình) nhưng chưa triển khai thực hiện Dự án. Sau khi mở rộng Hà Nội, do nằm trong vành đai xanh của Thành phố nên Dự án chưa được triển khai xây dựng.

Nguyễn Thanh Tường đã tự nhận có 48% vốn góp ở Dự án để đứng ra ký hợp đồng với Công ty 71. Bản thân Tường đã thành lập Công ty CP Đầu tư Sông Đà Toàn Cầu vào năm 2011, người đại diện theo pháp luật là Nguyễn Thị Hồng Thắm. Trước thời điểm này, Sở KH&ĐT Hà Nội đã cấp giấy đăng ký kinh doanh cho Công ty CP Đầu tư Sông Đà Toàn Cầu khác và sau đó công ty này đổi tên. Lợi dụng sự trùng tên này, Tường đã ký hợp đồng với Công ty 71, thu 33 tỷ đồng.

Chuyển nhượng dự án để chiếm đoạt tiền

Theo kết quả điều tra, trong quá trình hoạt động kinh doanh, Tường nhận thấy có nhiều dự án đang được triển khai như Dự án Khu đô thị mới Tây Đô, Dự án Nhà ở Green House, Dự án Chống biến đổi khí hậu tại các tỉnh, thành phố... Bản thân Tường không phải là đối tác của các dự án, không liên doanh, liên kết, không được chủ đầu tư ủy quyền. Tuy nhiên, Tường quảng bá khắp nơi Công ty có cổ phần lớn tại các công ty đứng tên chủ đầu tư. Tường cũng tự giới thiệu bản thân có nhiều mối quan hệ quen biết có thể xin được cho các doanh nghiệp thi công.

Đơn cử như trường hợp Dự án Khu đô thị tại huyện Hoài Đức, cuối năm 2007, Công ty CP Phát triển đô thị Từ Liêm và Công ty CP Phát triển nhà Tây Đô khảo sát thiết kế, lập quy hoạch dự án và đã có quyết định giao đất. Nhưng sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, Dự án phải chờ quy hoạch tổng thể của Thành phố nên chưa được triển khai. Dù vậy, Tường vẫn giới thiệu với ông Nguyễn Khánh Trình dự án trên.

Theo khai nhận, số tiền 33 tỷ đồng thu được nêu trên, Nguyễn Thanh Tường chuyển 16,9 tỷ đồng cho Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Sài Gòn để đầu tư vào Dự án Moscow Tower ở TP.HCM. Xác minh cho thấy, Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Sài Gòn đã chuyển nhượng dự án trên cho Công ty CP Kim Tâm Hải giá trị 76,8 tỷ đồng và đã nhận 58,8 tỷ đồng.

Với hành vi này, Nguyễn Thanh Tường bị truy tố tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khung hình phạt tù giam 12 - 20 năm hoặc chung thân.

Chuyên đề