Chiêu chiếm đoạt 3 triệu USD của ông chủ sàn vàng ảo

Ban đầu khách hàng của Phạm Đức Tài nhận tiền lãi "khủng" rồi liên tiếp thua lỗ và phải đổ vốn vào tài khoản.
Nhóm bị cáo trong vụ án sai phạm tại sàn vàng ảo IG tại phiên tòa sơ thẩm.
Nhóm bị cáo trong vụ án sai phạm tại sàn vàng ảo IG tại phiên tòa sơ thẩm.

Trong hai ngày 10 và 11/5, TAND Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử Mai Xuân Tú (68 tuổi, tổng giám đốc Công ty CP kinh doanh trang sức vàng quốc tế - IG), Phạm Đức Tài (39 tuổi, nhân viên IG), Lưu Công Khánh (36 tuổi, nhân viên IG Chi nhánh Thanh Hóa), Nguyễn Doãn Hùng (35 tuổi, giám đốc Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư Nhân Đôi) và sáu bị cáo khác về tội Kinh doanh trái phép theo Điều 159 Bộ Luật hình sự 1999.

Khánh và Tài còn bị xét xử về tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, theo Điều 226b Bộ Luật hình sự 1999.

Theo cơ quan công tố, trong khoảng thời gian từ tháng 10/2013 đến tháng 2/2015, Tài thành lập Công ty IG và để anh rể là Hải đứng tên đại diện pháp nhân, rồi lần lượt mở các chi nhánh tại Hải Dương, Thanh Hóa và Thái Nguyên. Ông Tú được thuê làm tổng giám đốc của IG. Tuy nhiên, mọi hoạt động của IG đều do Tài thao túng.

Theo chỉ đạo của Tài, Khánh thuê Hùng tìm và thuê cài đặt phầm mềm MT4 để thiết lập các giao dịch và kinh doanh vàng tài khoản qua mạng Internet.

Tài và Khánh quảng bá IG là công ty môi giới của Công ty Napmig (một công ty nước ngoài chuyên kinh doanh sàn vàng không có thật), tác động đến một số tài khoản tạo ra lợi nhuận nhằm mục đích gây dựng lòng tin với khách hàng, thu hút khách hàng đầu tư nhằm chiếm đoạt tài sản của họ.

Theo cơ quan công tố, để khách hàng tin tưởng IG là đại lý môi giới của Napmig, Tài và Khánh tổ chức các lớp học, hướng dẫn nhân viên tư vấn, giới thiệu rộng rãi. Các bị cáo cho nhà đầu tư biết, tiền sẽ được chuyển tới Napmig, IG chỉ hưởng tiền phí. Việc kinh doanh lỗ hay lãi là giữa nhà đầu tư và Napmig, Công ty IG không liên quan.

Tham gia vào sàn vàng “ảo”, khách hàng được hướng dẫn tải phần mềm MT4 về máy tính hoặc điện thoại để tham gia mua bán vàng trên tài khoản. Mỗi khách hàng nộp tiền theo hai mức là 2.500 USD (tương đương 55 triệu đồng) và 5.000 USD (tương đương 110 triệu) để được cấp mã giao dịch đăng nhập vào tài khoản.

Ngoài ra, khách hàng có thể mua bán các sản phẩm khác như bạc, dầu, các cặp ngoại tệ. Khách hàng nộp tiền, Tài chỉ đạo lập phiếu chi tiền thể hiện số tiền được chuyển đến Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư Nhân Đôi để khiến họ tưởng IG là công ty môi giới.

Từ năm 2013 đến năm 2015 đã có 500 nhà đầu tư nộp hơn 8,2 triệu USD và rút ra gần 5,5 triệu USD. Trong nhóm 13 mã giao dịch “ảo”, các bị cáo tạo ra số tiền nộp vào là hơn 2,7 triệu USD và rút ra hơn 2,9 triệu USD. Tuy nhiên, số tiền này không có thật. Tạo ra các khoản tiền như vậy, mục đích của các bị cáo là để khách hàng tin tưởng và tham gia kinh doanh.

Tài liệu điều tra xác định, có 140 khách hàng ở Hà Nội đã nộp vào Công ty IG hơn một triệu USD. Số còn lại là các nhà đầu tư ở Thái Nguyên, Hải Dương, Lạng Sơn, Thanh Hóa. Qua đó, các bị cáo đã chiếm đoạt của khách hàng gần 3 triệu USD, tương đương hơn 65 tỷ đồng. Số vàng được xác định kinh doanh trái phép là 4.000 lượng.

Cơ quan công tố cáo buộc, ngoài hành vi trên, Tài còn huy động vốn trái phép gần 50 tỷ đồng. Hiện số tiền chưa thanh toán là hơn 13 tỷ đồng. Các bị cáo còn thực hiện mua bán vàng miếng, kinh doanh vàng ký quỹ trái phép. Để che giấu hành vi, Tài chỉ đạo nhân viên yêu cầu khách hàng mua vàng miếng phải ký kết hợp đồng ủy quyền mua bán.

Sau khi IG bị phát hiện sai phạm, cơ quan công an đã thu giữ 273 miếng vàng miếng, trị giá hơn 8,6 tỷ đồng. Tổng số tiền hơn 18 tỷ đồng thu giữ đã được cơ quan điều tra đã trả lại cho khách hàng bị Công ty IG huy động vốn trái phép, chỉ còn lại gần 330 triệu đồng.

Cầm cố tài sản để đầu tư vào sàn vàng ảo

Tại phiên tòa, bà Hằng, một nhà đầu tư tham gia từ khi IG hoạt động kinh doanh vàng ảo trái phép, cho hay, ban đầu nộp vào 10.000 USD và nhận được khoản lãi "khủng". Sau một vài lần, tài khoản báo lỗ liên tục.

"Trong thời gian tôi đi du lịch ở Sapa, nhân viên IG gọi điện thông báo tài khoản đã cạn tiền. Họ đề nghị tôi phải nộp tiền vào nếu không muốn bị "cháy tài khoản", bà Hằng cho biết.

Vội vã vay tiền của người thân, cầm cố tài sản để gỡ gạc tiền mất nhưng bà Hằng chỉ nhận được thông báo lỗ. "Đến nay, tôi mất khoảng hơn hai tỷ đồng, đề nghị IG trả tiền để tôi thanh toán các khoản nợ", bà Hằng nói.

Sau lời khai của bà Hằng, chủ tọa cho hay, tài liệu thể hiện số tiền chênh lệch khá lớn, chỉ khoảng hơn một tỷ đồng thiệt hại.

Anh Tuấn, một nhà đầu tư khác khai, cũng giống với bà Hằng, ban đầu anh nhận được tiền lãi lớn nhưng sau đó lỗ dần. "Tâm lý đâm lao phải theo lao, nên khi nhận được thông báo phải đổ tiền vào tài khoản để không bị "cháy", tôi và gia đình đã vay mượn nhiều nơi", anh Tuấn nói.

Trước Hội đồng xét xử, anh Tuấn khai đổ tiền nhiều lần, khoảng hơn bốn tỷ đồng. Số tiền này theo tòa là chênh lệch so với tài liệu cơ quan điều tra cung cấp.

Ngoài ra, xuất hiện trường hợp một nhân viên IG cùng chồng đổ hơn 400 triệu đồng vào kinh doanh vàng ảo nhưng không có trong tài liệu cơ quan công an.

Nhiều bị hại có mặt tại tòa cho rằng hành vi nhóm bị cáo là lừa đảo chứ không phải như cáo buộc của cơ quan công tố.

Trước việc một số bị hại khai số tiền thiệt hại chênh lệch so với tài liệu..., sau hai ngày mở tòa, chủ tọa đã trả hồ sơ điều tra bổ sung.

* Tên bị hại đã thay đổi.

Chuyên đề