Cần linh hoạt hơn trong phê duyệt chủ trương đầu tư dự án PPP

(BĐT) - Theo ý kiến của nhiều bộ, địa phương, hiện có vướng mắc trong việc phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án PPP. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Cụ thể, theo quy định tại Điều 17 Luật Đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A sử dụng vốn đầu tư công. Trong thực tế có nhiều dự án PPP có tổng mức đầu tư thuộc phân loại dự án nhóm A theo Luật Đầu tư công nhưng phần vốn đầu tư của Nhà nước tham gia chiếm tỷ lệ rất thấp. Trong trường hợp này, thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư theo Điều 17 Luật Đầu tư công là Thủ tướng Chính phủ và phải thực hiện quy trình phê duyệt chủ trương đầu tư như một dự án sử dụng 100% vốn ngân sách nhà nước, không khuyến khích tham gia của các nhà đầu tư.

Về định hướng sửa đổi Luật Đầu tư công, Bộ KH&ĐT cho biết, đã đặt mục tiêu giải quyết vấn đề này để khuyến khích được nhà đầu tư tham gia dự  án PPP nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu quản lý vì những dự án nhóm A ngoài quy mô vốn đầu tư lớn, còn có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân cư tại nơi triển khai dự án.

Bộ KH&ĐT đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành nhưng đề nghị bổ sung Khoản 6 Điều 23 Luật Đầu tư công như sau: Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, bao gồm mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm, thời gian, tiến độ thực hiện. Riêng nội dung quyết định chủ trương của Thủ tướng Chính phủ đối với dự án thực hiện theo hình thức PPP thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Phương án giải quyết này, theo Bộ KH&ĐT, sẽ vẫn đảm bảo mục tiêu những dự án nhóm A tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội do Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư nhưng sẽ có quy trình lập, phê duyệt chủ trương đầu tư linh hoạt, đáp ứng yêu cầu quản lý dự án PPP cũng như tạo điều kiện thuận lợi thu hút nguồn vốn khác cho  dự án.   

Chuyên đề