Cấm đặt tên doanh nghiệp vi phạm sở hữu trí tuệ

(BĐT) - Nhằm đảm bảo thống nhất trong thực thi Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), Luật Doanh nghiệp (DN) và các văn bản hướng dẫn thi hành, một số ý kiến cho rằng, cần bổ sung quy định cấm đặt tên DN xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp vào Luật DN.
Xâm phạm sở hữu trí tuệ bằng việc làm hàng giả gây nhiều tổn thất về doanh thu cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Ảnh: Phan Huyền
Xâm phạm sở hữu trí tuệ bằng việc làm hàng giả gây nhiều tổn thất về doanh thu cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Ảnh: Phan Huyền

Theo một chuyên gia về SHTT, nguyên nhân chính của những vi phạm quyền SHTT ở Việt Nam cũng như ở các nước trên thế giới hiện nay là lợi nhuận kinh tế đáng kể mà các DN làm hàng giả có thể đạt được bằng việc khai thác (mà không được phép) những sáng tạo và đầu tư sáng tạo của người khác, làm nhái các sản phẩm với chi phí sản xuất thấp hơn chi phí của nhà đầu tư sáng tạo. Hệ quả, những DN làm ăn chân chính khi có những sáng chế đổi mới sản xuất kinh doanh mà bị xâm phạm quyền SHTT sẽ tổn thất về mặt doanh thu, mất lợi thế cạnh tranh, còn nền kinh tế bị thất thu ngân sách, giảm đầu tư vào các ngành định hướng công nghệ. “Do vậy, việc bảo hộ quyền SHTT cho các cá nhân, DN là rất quan trọng” – vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Đề cập đến việc thực thi pháp luật về SHTT ở Việt Nam, nhiều DN đánh giá, hiệu quả thực thi vẫn còn hạn chế do nhiều bất cập còn tồn tại. Chỉ ra bất cập trong hướng dẫn thực thi Luật SHTT, ông Trần Mạnh Hùng, Công ty Luật TNHH Quốc tế BMVN cho rằng, Điều 39 Luật DN 2014 hoàn toàn không có quy định nào về việc cấm đặt tên DN xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, trong khi Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 về đăng ký DN thì lại có quy định về việc này.

Cụ thể, Khoản 1 Điều 19 Nghị định 78/2015/NĐ-CP chỉ rõ: “Không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của DN, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đó…”. Bên cạnh đó, tại Thông tư số 05/2016/TTLT-BKHCN-BKHĐT (Thông tư liên tịch 05) ngày 5/4/2016 cũng có quy định chi tiết và hướng dẫn xử lý đối với trường hợp tên DN xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Do đó, để đảm bảo thực thi hiệu quả quy định pháp luật về SHTT, ông Trần Mạnh Hùng kiến nghị, bổ sung quy định cấm đặt tên DN xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại Điều 39 Luật DN nhằm đảm bảo tính thống nhất giữa Luật DN và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, một số DN đề xuất, cần bổ sung Điều 211 Luật DN về thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký DN đối với trường hợp DN có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, không thực hiện thủ tục thay đổi tên DN theo thông báo của Phòng đăng ký kinh doanh có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, qua quá trình rà soát pháp luật về đầu tư, kinh doanh với các luật chuyên ngành, đại diện nhiều DN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị, cần bỏ các quy định về chấp thuận DN đại diện sở hữu công nghiệp vì nghề đại diện sở hữu công nghiệp không nằm trong Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư. Việc làm này nhằm đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản luật, đơn giản thủ tục hành chính.

Chuyên đề