Bước tiến mới trong kỹ thuật lập pháp

(BĐT) - Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được các chuyên gia tại TP.HCM đánh giá cao về độ tương thích với hệ thống luật chuyên ngành khác. Đặc biệt, nhiều ý kiến ghi nhận sự tương thích của Dự thảo Luật với các luật chuyên ngành, đặc biệt là với Luật Đấu thầu.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Độ tương thích cao

Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam Phan Thông Anh cho biết, Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV đã rất tiến bộ khi xây dựng quy định điều chỉnh về DNVVN trên cơ sở bảo đảm sự thống nhất với các luật chuyên ngành. “Tôi hoan nghênh khi ban soạn thảo đã xây dựng các quy định điều chỉnh về DNNVV trong sự so sánh và thống nhất với các luật chuyên ngành như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư cũng như các luật về khoa học công nghệ, các tổ chức tín dụng… Điều này không chỉ tránh được những khó khăn gặp phải trong quá trình áp dụng pháp luật do xung đột với các quy định cùng điều chỉnh về một vấn đề, mà còn thể hiện một trình độ lập pháp cao hơn của các nhà làm luật Việt Nam”, chuyên gia này khẳng định.

Đồng ý với quan điểm này, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, thực tế, độ tương thích giữa Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV với Luật Đấu thầu đã được các nhà thầu là DN cấp nhỏ và siêu nhỏ đánh giá rất cao. Các nhà thầu này cho rằng, Luật Đấu thầu đã tạo ra một sân chơi để các nhà thầu ngang sức ngang tài cùng cạnh tranh. Không cho các nhà thầu là doanh nghiệp lớn tham gia vào các gói thầu quy mô nhỏ là sự hỗ trợ có ý nghĩa lớn để tạo đà cho các DNNVV phát triển, bứt phá. Tinh thần của Luật Hỗ trợ DNNVV đã đồng bộ, thống nhất với bước đột phá này của Luật Đấu thầu. “Chúng tôi tin, đây chính là nền tảng quan trọng cho DNNVV cạnh tranh, cùng phát triển một cách lành mạnh”, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM khẳng định.

Các chuyên gia về hỗ trợ DN cho biết, chính sách hỗ trợ cho đối tượng là DNNVV không thể hô hào, chung chung. Cách triển khai cụ thể, có thể áp dụng thuận lợi và đồng bộ như ưu tiên hỗ trợ cho DNNVV trong đấu thầu các gói thầu quy mô nhỏ là cách xây dựng pháp luật thực sự đáng ghi nhận, cần nhân rộng. 

Hỗ trợ đúng đối tượng

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai cho rằng, cần có nghiên cứu đầy đủ, chính xác về số lượng DNNVV giải thể, đóng cửa thời gian qua. Từ những nghiên cứu này, cần chỉ ra nguyên nhân chính của tình trạng làm ăn thua lỗ của DNNVV trong từng lĩnh vực. “Có như vậy, chúng ta mới bắt đúng bệnh, kê đúng toa và hỗ trợ đúng đối tượng”, ông Tuấn phân tích.

Nhiều chuyên gia đồng tình với nội dung không thực hiện hỗ trợ thuế thu nhập DN đối với DN, nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp để tránh hỗ trợ hai lần, vì chính sách này không đảm bảo việc DNNVV được giảm chi phí thuê mặt bằng trong khu, cụm công nghiệp. Phần lớn ý kiến cho rằng nội dung này phù hợp với mục tiêu không hỗ trợ đại trà, mà có chọn lọc, chỉ hỗ trợ có giới hạn trong điều kiện cần thiết đối với DN, với nguyên tắc “hỗ trợ DNNVV có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ, khả năng cân đối nguồn lực nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế trong từng thời kỳ” như Dự thảo Luật đề cập. Bởi lẽ, nguồn lực của Nhà nước không phải là vô hạn, nên việc hỗ trợ chỉ nên dành cho những đối tượng thực sự cần.

Vì 97% số DN hiện nay của Việt Nam là DNNVV, nên để lọc ra đúng đối tượng cần hỗ trợ và hỗ trợ hiệu quả là yếu tố then chốt của Dự thảo Luật. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ cho DNNVV cần đa dạng, phong phú hơn, chứ không chỉ đơn thuần dừng lại ở nguồn vốn, đơn cử như hỗ trợ từ những lĩnh vực khác như chuyển giao công nghệ, nâng cao trình độ nhân lực, trình độ quản trị… “Vì mở rộng nội dung hỗ trợ này sẽ huy động được nguồn lực tư nhân tham gia cùng Chính phủ. Bớt được phần nào gánh nặng ngân sách”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhận định.

Chuyên đề