Bổ sung ngành, nghề kinh doanh có điều kiện: Bộ Xây dựng “đứng đầu”

(BĐT) - Bộ Xây dựng đang “đứng đầu bảng” về số lượng ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đề xuất bổ sung vào danh mục này.
Kinh doanh dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư được đề xuất bổ sung vào Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Ảnh: Lê Tiên
Kinh doanh dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư được đề xuất bổ sung vào Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Ảnh: Lê Tiên

Chiếm 4 trong 12 ngành, nghề đề xuất bổ sung

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tổng hợp từ đề xuất của các bộ, ngành về bổ sung ngành, nghề kinh doanh có điều kiện cho thấy, đến thời điểm hiện tại đã có tất cả 12 ngành, nghề được đề xuất bổ sung vào Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư 2014. Đáng chú ý, trong số 12 ngành, nghề được đề xuất bổ sung thì có tới 4 ngành, nghề do Bộ Xây dựng đề xuất.

Ngành, nghề đầu tiên mà Bộ Xây dựng đề xuất bổ sung là kinh doanh dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư. Bộ Xây dựng cho rằng, ngành, nghề này đã được quy định tại Khoản 2 Điều 105 của Luật Nhà ở 2014 nhưng chưa có trong Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư. Bộ này cũng đề xuất bổ sung kinh doanh dịch vụ thí nghiệm chuyên ngành xây dựng vào Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện với lý do ngành, nghề này đã được quy định tại Điều 10 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.

Kinh doanh dịch vụ quản lý vận hành cơ sở hỏa táng cũng được Bộ Xây dựng đề xuất bổ sung vào Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Lý do mà Bộ đưa ra để giải thích cho đề xuất của mình là ngành, nghề này đã được quy định tại Khoản 1 Điều 23 Nghị định số 23/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đề xuất bổ sung kinh doanh dịch vụ tư vấn lập quy hoạch trong lĩnh vực vật liệu xây dựng là một ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, vì ngành, nghề này đã được quy định tại Điều 27 Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng.            

Có “đẻ” thêm thủ tục hành chính?

Dư luận kỳ vọng với những đổi mới mạnh mẽ của Luật Đầu tư, môi trường đầu tư kinh doanh sẽ ngày càng  thông thoáng, thuận lợi hơn
Nhìn vào căn cứ và lý do đề xuất 4 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Bộ Xây dựng có thể thấy rằng, các luật và nghị định mà Bộ này sử dụng làm căn cứ và lý do để đề xuất 4 ngành, nghề kinh doanh vào Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện gần như đều “sinh sau đẻ muộn” so với Luật Đầu tư 2014.

Cụ thể, Luật Đầu tư (sửa đổi) được Quốc hội thông qua năm 2014, có thể nói cùng thời điểm với Luật Nhà ở 2014. Còn Nghị định số 46/2015/NĐ-CP, Nghị định số 23/2016/NĐ-CP và Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP đều được ban hành và có hiệu lực sau khi Luật Đầu tư 2014 đã có hiệu lực. 

Luật Đầu tư 2014 và Luật Doanh nghiệp 2014 được dư luận đánh giá là đã tạo lập cơ sở pháp lý quan trọng để bảo đảm thực hiện các quy định của Hiến pháp về quyền tự do kinh doanh của công dân trong các ngành, nghề mà luật pháp không cấm; đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong quá trình hoạt động kinh doanh và tổ chức quản lý doanh nghiệp;...

Dư luận cũng kỳ vọng với những đổi mới mạnh mẽ của Luật Đầu tư thì môi trường đầu tư kinh doanh sẽ ngày càng được cải cách theo hướng thông thoáng và thuận lợi hơn. Danh mục 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định trong Luật Đầu tư 2014 theo quá trình rà soát sẽ ngày càng được rút ngắn, tạo thuận lợi hơn nữa cho DN. Tuy nhiên, việc các văn bản ra đời sau, vô tình hay cố ý “đẻ” thêm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh đang dấy lên lo ngại của cộng đồng DN về chủ trương đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư sẽ khó có thể hiện thực hóa.

Chuyên đề