Bị cáo trong vụ vỡ đường ống nước sông Đà đồng loạt kêu oan

Không công nhận kết luận giám định, cho rằng còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ, nhiều bị cáo đã phủ nhận cáo trạng buộc tội.
Ông Hoàng Thế Trung (áo xanh, ngoài cùng bên trái) và các bị cáo.
Ông Hoàng Thế Trung (áo xanh, ngoài cùng bên trái) và các bị cáo.

Ngày 5/3, ngày làm việc đầu tiên xét xử chín bị cáo liên quan đến vụ án vỡ đường ống nước Sông Đà, chủ tọa Nguyễn Thị Xuân Thu công bố kết luận giám định cho thấy Ban quản lý dự án không kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguyên vật liệu đầu vào (ống composite cốt sợi thủy tinh) mà đã cho thi công, nghiệm thu hoàn thành.

Khi thương thảo với nhà thầu (Công ty CP ống sợi thủy tinh Vinaconex) cung cấp ống composite cốt sợi thủy tinh và phụ kiện (côn, tê, cút, bích), Ban quản lý  không yêu cầu chi tiết, cụ thể về quy trình kiểm tra, chứng nhận chất lượng sản phẩm. Việc này bị cáo buộc đã tạo sơ hở cho nhà thầu lắp đặt ống composite cốt sợi thủy tinh mà không qua thí nghiệm, không kiểm tra đầy đủ các chỉ tiêu cơ lý - thiếu hai chỉ tiêu.

Ngoài ra, Ban quản lý cùng tư vấn giám sát đã phát hiện 94 sản phẩm ống không đạt tiêu chuẩn sản xuất và yêu cầu thiết kế nhưng không thu hồi mà vẫn cho lắp đặt.

Trước tòa, ông Hoàng Thế Trung (cựu giám đốc Ban quản lý Dự án) cho rằng, cáo trạng có nhiều nội dung không phù hợp. “Kết luận điều tra, giám định cho rằng chiều dày của ống do nhà sản xuất quyết định nhưng vẫn lồng trách nhiệm của chúng tôi vào đó. Việc quy kết Ban quản lý phải chịu trách nhiệm là không đúng”, ông Trung trình bày.

“Công việc của Ban quản lý đối chiếu với kết luận giám định có sai không?", chủ tọa hỏi. “Theo cá nhân tôi thì không vi phạm về quy định xây dựng” bị cáo trả lời.

“Khi gặp sự cố, ban quản lý dự án có trả lại ống cho nhà thầu cung cấp không?”, chủ tọa chất vấn. Ông Trung cho hay, Ban quản lý có đề nghị sửa chữa, nếu không sửa chữa được thì thay thế, đạt yêu cầu mới cho thi công. Theo bị cáo, 94 ống không đạt yêu cầu đã được sửa chữa xong và nghiệm thu. Đến nay, số ống này không bị làm sao.

“Giám đốc Ban quản lý dự án, được HĐQT lập ra, vậy có làm tròn trách nhiệm chưa?”, chủ tọa hỏi. “Tôi muốn nói đến nguyên nhân của hậu quả này từ đâu... Ý tôi nói là tòa cần xem xét trách nhiệm của các bộ phận khác”, ông Trung giải thích song bị chủ tọa ngắt lời, nhắc rằng lúc này chưa bàn đến điều đó mà muốn làm rõ bị cáo đã làm tròn trách nhiệm chưa? “Tôi đã làm tròn trách nhiệm và đúng quy định pháp luật”, ông Trung đáp.

Trong ít phút trình bày tiếp, ông Trung khẳng định: Ban quản lý đã kiểm tra 100% chất lượng ống trước khi cho lắp đặt. Bất kỳ một ống nào có nghi ngờ thì đều kiểm tra và có văn bản.

“Có khi nào đề cập, yêu cầu chứng minh ống thỏa mãn 7 tiêu chí cơ lý, trong đó có hai tiêu chuẩn độ biến dạng uống hướng vòng dài hạn và áp suất thiết kế thủy tinh dài hạn thực hiện trong 10.000 giờ như tiêu chuẩn sản xuất của Hiệp hội Công trình thủy Hoa Kỳ - Ansi Awwa không”, chủ tọa hỏi. Câu trả lời của cựu trưởng ban quản lý dự án là: “Không đề cập”.

Cấp dưới của ông Trung là Nguyễn Văn Khải (nguyên phó giám đốc Ban quản lý dự án) khi trả lời thẩm vấn đã mong HĐXX xem xét thấu đáo vụ án vì "rất nhiều phần giám định không chính xác", "có nhiều nhầm lẫn trong các vai mua, bán giữa ban quản lý và đối tác".

Trả lời câu hỏi "có thấy thiếu chỉ tiêu theo tiêu chuẩn Ansi Awwa không?", ông Khải nói "không thiếu, 5 phiếu thí nghiệm do bên nhà thầu cung cấp cho Ban quản lý là đủ rồi".

Ông Khải thừa nhận không yêu cầu công ty sản xuất ống cốt sợi thủy tinh cung cấp giấy hợp chuẩn. Song khi chủ tọa công bố, các phiếu thí nghiệm có dấu của Phòng thí nghiệm không hợp chuẩn là sai với tiêu chuẩn, ông Khải giải thích: “Ansi Awwa chỉ có 5 tiêu chí cơ lý. Hai tiêu chí còn lại không liên quan".

"Tại sao phải bỏ qua hai tiêu chí đó?", chủ tọa ngắt, ông Khải cho rằng đó hoàn toàn hai thí nghiệm về tính chất vật liệu chứ không phải chỉ tiêu cơ lý. Việc vỡ ống không phải do nguyên nhân chất lượng ống mà còn nhiều vấn đề khác chưa làm rõ trong vụ án này.

"Nếu vậy việc truy tố có đúng hay không?", chủ tọa tiếp tục hỏi. Ông Khải đáp: "Như bị cáo giải thích, kết luận điều tra dựa trên kết luận giám định và nội dung cáo trạng là không đúng".

Trước tòa, ông Trần Cao Bằng (nguyên giám đốc ống sợi thủy tinh Vinaconex) nhận trách nhiệm toàn bộ về việc sản xuất, cung cấp ống cốt sợi thủy tinh. Ông đứng ra ký hai hợp đồng với Ban quản lý dự án gồm: Hợp đồng nguyên tắc (cam kết sản phẩm phải được Tổng Cục đo lường chất lượng Việt Nam cấp chứng nhận) và Hợp đồng kinh tế (bên cung cấp cam kết sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn Ansi Awwa).

Ông Bằng khẳng định, sản phẩm được thiết kế, sản xuất theo tiêu chuẩn Ansi Awwa. Công ty đã thử nghiệm tính ổn định, độ cứng… theo đúng các quy định của tiêu chuẩn.

“Bị cáo không biết mình bị bắt vì sao, không biết ai “phát minh” ra 7 chỉ tiêu đó”, ông Bằng trình bày và đề nghị xem xét lại cáo trạng.

Chủ tọa cho hay, công ty được chỉ định thầu cung cấp và sản xuất ống vì thế phải theo thiết kế do Ban quản lý dự án đưa. Ống và các phụ kiện phải đạt tiêu chuẩn Ansi Awwa… với độ bền tối thiểu 50 năm. “Vậy ống sản xuất ra có trả lời được câu hỏi đó không. Thực tế đã xảy ra hậu quả 23 ống cốt sợi thủy tinh bị vỡ”, chủ tọa cho hay.

“Bị cáo không có trách nhiệm phải chứng minh độ bền đó”, ông Bằng nói, song chủ tọa khẳng định, trách nhiệm của bị cáo phải làm theo thiết kế, làm đủ theo 7 tiêu chuẩn cơ lý. Thực tế, với 94 ống phải sửa chữa, công ty không làm lại thí nghiệm mà giao cho một đơn vị khác thực hiện.

Hai bị cáo khác được thẩm vấn trong buổi chiều gồm ông Trương Trần Hiển (Trưởng Phòng vật tư Vinaconex) và Bùi Thanh Hải (cựu trưởng phòng sản xuất kiêm quản đốc phân xưởng Công ty Cốt sợi thủy tinh Vinaconex) cũng không thừa nhận cáo buộc của cơ quan công tố.

"Nguyên nhân ống vỡ thì có nhiều. Ở giai đoạn điều tra, tôi đã nói từ khâu sản xuất, vận chuyển cũng có thể là nguyên nhân gây ra vỡ ống", ông Hiển nói và cho rằng không vi phạm pháp luật, việc truy tố là oan. Trong khi đó, ông Hải cho rằng cáo trạng nói nguyên nhân vỡ ống nước do chất lượng là chưa chính xác.

Giám định theo cách nào?

Cuối buổi chiều, đại diện cơ quan giám định cho hay, phương pháp thực hiện khi đưa ra kết luận được thực hiện trên cơ sở xem xét kiểm tra, đối chiếu, kết hợp với việc khảo sát hiện trường, ở nhiều vị trí. Tổ giám định đã lấy mẫu, thí nghiệm chất lượng vật liệu ống, thực hiện mô phỏng tính toán theo hồ sơ thiết kế, xem xét các yếu tố bất lợi, tác động lên đường ống.

Tổ công tác chỉ giám định các nội dung được đề nghị trưng cầu từ cơ quan điều tra. Giám định việc tuân thủ pháp luật về đầu tư của Vinaconex trong giai đoạn lập dự án, khảo sát, thiết kế thi công; Giám định nguyên nhân sự cố, chất lượng, phân định trách nhiệm của các bên. Các đơn vị dựa trên hồ sơ, tài liệu do cơ quan điều tra cung cấp, kết quả thực hiện thí nghiệm tại hiện trường, căn cứ Luật Giám định và Luật xây dựng 2003 để đưa ra kết luận nguyên nhân vỡ ống nước.

“Ngoài kiểm tra hồ sơ, chúng tôi cũng đã khảo sát hiện trường (14 vị trí) cả đang hoạt động lẫn chỗ vỡ. Chúng tôi có giám định những ống dự phòng, ống đã vỡ lưu tại nhà máy song không giám định quy trình sản xuất ống vì nhà máy thời điểm đó không sản xuất”, giám định viên trả lời.

Chuyên đề