Bệnh viện công tự chủ: Pháp lý chưa đầy đủ

(BĐT) - Vẫn còn những “chỗ trống” trong hành lang pháp lý đối với hoạt động của mô hình bệnh viện công lập tự chủ. Điều này gây khó cho quá trình giám sát công tác quản lý tài chính tại các đơn vị này và thiệt thòi cho người bệnh.
Cần có cơ chế kiểm tra, giám sát phù hợp đối với việc quản lý, sử dụng nguồn tài chính công tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập. Ảnh: Thế Anh
Cần có cơ chế kiểm tra, giám sát phù hợp đối với việc quản lý, sử dụng nguồn tài chính công tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập. Ảnh: Thế Anh

Nhiều đơn vị thu vượt quy định

Để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quản lý tài chính tại các bệnh viện tự chủ tài chính, những năm gần đây, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện một số cuộc kiểm toán tại các đơn vị này và chỉ rõ một số điểm bất cập.

Về nguồn kinh phí hoạt động tại các cơ sở khám, chữa bệnh, điểm nổi cộm là tăng doanh thu bất hợp lý. Kết quả kiểm toán cho thấy, tại nhiều đơn vị còn hiện tượng thu vượt, thu ngoài quy định hoặc lạm dụng dịch vụ y tế kỹ thuật cao, cung ứng thuốc và dịch vụ không cần thiết... làm tăng gánh nặng cho người bệnh.

Đại diện đơn vị thực hiện các cuộc kiểm toán này, TS. Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành III nói: “Vấn đề đặt ra đối với cấp có thẩm quyền là cần có cơ chế kiểm tra, giám sát phù hợp đối với việc quản lý, sử dụng nguồn tài chính công tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập, đảm bảo công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật”.

Vị kiểm toán trưởng này cũng đề xuất, cần có biện pháp để tăng doanh thu hợp pháp của các bệnh viện theo chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, cùng với thúc đẩy các bệnh viện tuyến trên tăng cường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ kỹ thuật cao, chỉ đạo tuyến cho các bệnh viện tuyến cơ sở, khắc phục tình trạng mất cân đối về tỷ lệ bệnh nhân tại các bệnh viện như hiện nay.

Thiếu quy định, có thể âm quỹ bảo hiểm y tế

Về cơ chế quản lý, sử dụng nguồn bảo hiểm y tế (BHYT), kết quả kiểm toán tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập cho thấy còn một số bất cập trong cơ chế thanh toán BHYT giữa bảo hiểm xã hội (BHXH) và các bệnh viện công lập tự chủ.

Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ, có tình trạng các cơ sở khám, chữa bệnh lạm dụng dịch vụ kỹ thuật cao, do đó ảnh hưởng tới cân đối của quỹ BHYT. Bên cạnh đó, việc quyết toán và thanh toán của cơ quan BHYT cho các cơ sở khám, chữa bệnh tương đối chậm, dư nợ cuối năm chưa thanh toán còn lớn.

Chỉ riêng năm 2017, theo thống kê tại các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế, số nợ BHYT cuối năm của BHXH là trên 5.000 tỷ đồng. Cũng tại các cơ sở khám, chữa bệnh này, số nợ tiền thuốc và vật tư y tế của các nhà thuốc là trên 7.000 tỷ đồng.

Liên quan đến vấn đề này, bà Đào Thị Thu Vĩnh, Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VII - đơn vị thực hiện kiểm toán chuyên đề về BHYT nhấn mạnh: Điều đáng ngại là nếu không có quy định cụ thể để quản lý kịp thời thì quỹ BHYT có thể rơi vào tình trạng thâm hụt hoặc âm quỹ.

“Hiện nay chưa có quy định cụ thể về định mức kinh tế kỹ thuật cho ngành y tế. Qua kiểm toán cho thấy, có nhiều loại vật tư y tế không dùng cho người bệnh mà vẫn thanh toán từ quỹ BHYT. Chúng tôi đã phải đề nghị xuất toán và khẳng định cái gì người bệnh không được sử dụng thì không thanh toán”.

Cũng theo kết quả của Kiểm toán Nhà nước, tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập hiện nay đang tồn tại một số khoản thu không thuộc danh mục giá dịch vụ khám, chữa bệnh được gọi là chi phí đi kèm dịch vụ y tế.

Nhìn nhận về vấn đề này, TS. Lê Đình Thăng nói: “Cho đến nay chưa có cơ chế quy định rõ ràng là có được thu hay không? Thu mức bao nhiêu? Các chi phí này là thực tế nhưng đã có trong giá dịch vụ hay chưa? Đây là dấu hỏi đặt ra không chỉ cho các cơ sở khám, chữa bệnh mà còn cho các cơ quan nhà nước. Kết quả kiểm toán cho thấy, các khoản thu này rất khác nhau ở các cơ sở khám, chữa bệnh khác nhau như dịch vụ người nhà, dịch vụ sử dụng quần áo bệnh viện, các dịch vụ đi kèm dịch vụ khám, chữa bệnh…”.

Từ thực tế trên, vị kiểm toán trưởng chuyên ngành III kiến nghị: “Đây là vấn đề cần làm rõ về quy định và cơ chế để các cơ sở khám, chữa bệnh dễ dàng thực hiện. Đồng thời, tránh rủi ro cho nhà quản lý cơ sở khám, chữa bệnh khi làm việc với các cơ quan nhà nước, và tạo ra tính minh bạch để cơ sở khám, chữa bệnh và người bệnh, người nhà bệnh nhân dễ thực hiện, thậm chí dễ dàng trong việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán”.

Chuyên đề