Bắt 4 bị can trong đường dây giả danh tướng Bộ Quốc phòng lừa đảo hàng chục tỉ đồng

Các đối tượng tự xưng là Thiếu tướng, người của một tập đoàn Bộ Quốc phòng, qua đó lừa đảo hàng nghìn người để chiếm đoạt số tiền hàng chục tỉ đồng.
Đối tượng Hoa Hữu Long và vợ là Cao Thị Kim Loan.
Đối tượng Hoa Hữu Long và vợ là Cao Thị Kim Loan.

Ngày 7/1, Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP Hà Nội đã khởi tố bị can, bắt tạm giam thêm 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo liên quan Hoa Hữu Long, bị can tự xưng là Thiếu tướng quân đội và có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của cả nghìn nạn nhân.

Trong đường dây lừa đảo của Hoa Hữu Long, cơ quan điều tra đã khởi tố tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 5 đối tượng về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" gồm Hoa Hữu Long (SN 1964, trú ở quận Bắc Từ Liêm); Nguyễn Minh Sơn (SN 1971, trú tại quận Cầu Giấy); Mạc Phúc Hải (SN 1964, trú tại quận Ba Đình); Cao Thị Kim Loan (vợ Long, SN 1970, trú tại quận Bắc Từ Liêm) và Phùng Thị Thanh Huế (SN 1978), trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Hoa Hữu Long tự xưng là Thiếu tướng, Tư lệnh, đứng đầu một tổng cục không có thật trên thực tế rồi cùng các đồng phạm sử dụng các quyết định mạo danh Bộ Quốc phòng để tạo niềm tin về việc Bộ đang thành lập Tập đoàn Đông Dương để thu tiền, hồ sơ của những người có nhu cầu xin việc.

Bước đầu, cơ quan điều tra phát hiện các đối tượng đã tuyển dụng khoảng 1.000 người ở nhiều địa bàn trên cả nước, thu lời bất chính gần 50 tỷ đồng. Ngoài ra, các đối tượng còn lập hồ sơ giả mạo và thu tiền bất chính của các doanh nghiệp tham gia thầu dự án.

Quá trình mở rộng điều tra vụ án, CQĐT tiếp tục khởi tố bị can, bắt tạm giam thêm 4 đối tượng có hành vi đồng phạm với Hoa Hữu Long về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, gồm: Trần Duy Hưng (SN 1981); Hoa Bách Tùng (SN 1966); Lê Hồng Giang (SN 1976) và Nguyễn Tân Mão (1963).

Theo kết quả điều tra bước đầu, năm 2015, Hoa Bách Tùng được anh trai là Hoa Hữu Long cho đứng tên giám đốc Công ty TNHH phát triển Long Nhật. Cuối năm 2016, Long nói với Tùng là Bộ Quốc phòng chuẩn bị thành lập đơn vị làm kinh tế nên bảo Tùng chuyển Công ty Long Nhật sang làm công ty con của Tập đoàn Đông Dương để thực hiện dự án và dùng con dấu của Công ty Long Nhật để đóng vào các văn bản của Tập đoàn Đông Dương.

Cũng như anh trai mình, mặc dù không phải là quân nhân, nhưng tại các văn bản, giấy tờ Tùng đều ký với vai trò Đại tá, Tham mưu trưởng tập đoàn “ma”; còn Hoa Hữu Long ký với vai trò Thiếu tướng Tư lệnh Tập đoàn Đông Dương. Ngoài ra, Tùng còn tham gia tuyển, giới thiệu, thu tiền của một số nhân sự cho Tập đoàn "ma" này.

Tương tự như Tùng, Lê Hồng Giang và Nguyễn Tân Mão đều không có nghề nghiệp ổn định, nhưng sau khi trở thành chân rết của Hoa Hữu Long, các đối tượng này đi đâu cũng giới thiệu là sỹ quan quân đội thuộc Tập đoàn Đông Dương để tuyển nhân sự, thu tiền của các trường hợp có nhu cầu xin việc làm. Trong đó, Giang đã thu hồ sơ, tiền của 100 trường hợp; còn Mão thu tiền của 26 người. Còn Trần Duy Hưng đã thu của họ tổng cộng khoảng 15 tỷ đồng để lo các suất vào làm tại tập đoàn Đông Dương.

Hiện vụ án đang được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ.

Chuyên đề