Bà “trùm” ngân hàng Đông Á: Làm sai vì coi Trần Phương Bình như… anh trai!

Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến đề nghị HĐXX xem xét bối cảnh bị cáo phạm tội. Về việc mua cổ phần DongABank, luật sư giải thích do coi Trần Phương Bình như anh trai nên Xuyến giúp đỡ thật tình bằng cách đưa người thân, công ty riêng của mình đứng tên mua cổ phần.
Bị cáo Xuyến.
Bị cáo Xuyến.

Ngày 10/12, TAND TPHCM tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Đông Á (DongABank).

Theo đó, bị cáo Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Đông Á) và Nguyễn Thị Kim Xuyến (sinh năm 1958, nguyên Phó tổng giám đốc, Thành viên HĐQT DongABank) bị truy tố 2 tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Đề nghị xem xét hoàn cảnh phạm tội

Luật sư Nguyễn Duy Dụ (bào chữa cho bị cáo Xuyến) cho rằng, trong quá trình điều tra và xét xử, bị cáo Xuyến đã rất thành khẩn khai báo.

Ông Dụ cũng mong HĐXX xem xét bối cảnh, hoàn cảnh của bị cáo Xuyến vì người có quyền quyết định đối với các hành vi sai phạm này là Trần Phương Bình. Còn Xuyến chỉ là người nhận chỉ đạo từ bị cáo Bình để thực hiện các hành vi đó.

Luật sư mong HĐXX xem xét, đánh giá khách quan vai trò bị cáo trong hành vi mua bán cổ phần. Về việc mua cổ phần DongABank, luật sư giải thích do coi Trần Phương Bình như anh trai nên Xuyến giúp đỡ thật tình bằng cách đưa người thân, công ty riêng của mình đứng tên mua cổ phần.

"Bị cáo Xuyến không mảy may tính toán thiệt hơn, không đòi hỏi lợi ích khi giúp đỡ, làm theo chỉ đạo từ ông Trần Phương Bình. Bị cáo không ngờ việc làm của bản thân gây thiệt hại nghiêm trọng như vậy" – luật sư lập luận.

Trong phần tự bào chữa, bị cáo Xuyến cho rằng, đã làm việc ở ngân hàng nhiều năm, thực ra sau khi bị bắt và tham gia phiên toà, bị cáo mới hiểu rõ tội lỗi của mình. Bị cáo Xuyến cũng cho rằng, trong quá trình nhận chỉ đạo từ bị cáo Trần Phương Bình, thì thường tự thực hiện hành vi.

Bị cáo Xuyến cũng nói không biết công ty Lộc Việt là công ty nào, chỉ thấy bị cáo Bình nói vay giúp thì làm giúp vì hoàn toàn tin tưởng bị cáo Bình. Một lần nữa, bị cáo Xuyến mong bị cáo Bình nhớ lại việc Xuyến đã chuyển trả cổ phần cho bị cáo Bình để xác định cho rõ số tiền 40 tỉ đồng là không phải do Xuyến chiếm đoạt. Toàn bộ số tiền này bị cáo Xuyến đã trả lại cho bị cáo Bình bằng cổ phiếu.

Giám đốc công ty lương thực Nam Định không vụ lợi

Tiếp đó, luật sư Nguyễn Hồng Bách bào chữa cho bị cáo Phạm Văn Phước (nguyên tổng giám đốc công ty cổ phần Lương thực Nam Định) (. Theo cáo buộc, đầu năm 2013, DongABank có chủ trương đầu tư trụ sở làm việc tại TP Nam Định, Trần Phương Bình ủy quyền cho Trần Huy Nam đàm phán công ty cổ phần lương thực Nam Định với mua 462,7m2 đất và tài sản trên đất của công ty cổ phần lương thực Nam Định với giá 19,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo quy định thì việc chuyển nhượng này phải qua đấu thầu, và DongABank chi nhánh Nam Định trúng thầu với giá 10,9 tỉ đồng.

Bị cáo Phạm Văn Phước.

Do đó, DongABank chi nhánh Nam Định cần trả cho công ty cổ phần lương thực Nam Định thêm 9,2 tỉ đồng. Nam đồng ý và về báo cáo Bình, Bình đồng ý chỉ đạo Nguyễn Thị Kim Xuyến xuất quỹ chi 9,2 tỉ đồng để trả.

Ngày 24/3/2014, Trần Huy Nam chuyển 7 tỉ đồng cho Phạm Văn Phước để thanh toán tiền chuyển nhượng tài sản nêu trên nhưng trên chứng từ vẫn ghi là nhận 9,2 tỉ đồng (Trần Huy Nam giữ lại 2,2 tỉ đồng). Kết quả đối chất Trần Huy Nam không thừa nhận lời khai của Phạm Văn Phước.

Luật sư của bị cáo Phước cho rằng thân chủ không có động cơ tư lợi, việc nhận 7 tỉ đồng từ Trần Huy Nam để nhận chuyển nhượng 462,7m2 đất và tài sản trên đất tại số 52 Quang Trung, phường Bà Triệu, TP Nam Định, tỉnh Nam Định, hoàn toàn là "tình ngay, lý gian". Bị cáo Phước dùng số tiền này lo việc cho cơ quan, tránh để công ty không phá sản, giữ lại việc làm cho nhân viên. Do đó, luật sư này đề nghị HĐXX xem xét trách nhiệm của bị cáo Phước. Luật sư cũng cho biết, gia đình ông Phước đã khắc phục được 100 triệu đồng.

Bị cáo Lan chuyển từ kêu oan sang xin giảm nhẹ.

Đối với bị cáo Nguyễn Thị Ái Lan (nguyên trưởng phòng nguồn vốn Hội sở DongABank). Bị cáo Lan bị cáo buộc có hành vi giúp sức bị cáo Trần Phương Bình gây thiệt hại cho DongABank tổng số tiền 820,7 tỉ đồng.

Trong phần xét hỏi, bị cáo liên tục kêu oan không thừa nhận hành vi phạm tội nên bị cách ly khỏi các bị cáo khác. Tuy nhiên, trong phần bào chữa bị cáo Lan trình bày các tình tiết giảm nhẹ, đề nghị HĐXX xem xét vì chỉ là người làm công ăn lương chứ không có vai trò gì. Bị cáo Lan xin nhận trách nhiệm, thừa nhận đã sai lầm và ăn năn hối cải, mong HĐXX xem xét cho hành vi của mình.

Chuyên đề