Áp dụng loại hợp đồng nào cho gói thầu mua thuốc chữa bệnh?

(BĐT) - Gói thầu mua sắm hàng hóa có giá trị gói thầu không quá 10 tỷ đồng được coi là gói thầu quy mô nhỏ và phải áp dụng loại hợp đồng trọn gói mà không được phép áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá cố định.
Áp dụng loại hợp đồng nào cho gói thầu mua thuốc chữa bệnh?

Hỏi: Bệnh viện công lập X cần tổ chức lựa chọn nhà thầu gói thầu mua thuốc chữa bệnh (số lượng thuốc mời thầu: 1 triệu viên, giá gói thầu: 9 tỷ đồng). Do lượng thuốc thực tế Bệnh viện cần sử dụng phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh và nhu cầu khám chữa bệnh trong năm nên Bệnh viện dự kiến áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá cố định.

Trong trường hợp này, việc áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá cố định có phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu không? Trường hợp ký hợp đồng trọn gói thì có được phép thanh toán theo thực tế số lượng thuốc cần mua hay không?

Trả lời: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 62 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, hợp đồng trọn gói là hợp đồng có giá cố định trong suốt thời gian thực hiện đối với toàn bộ nội dung công việc trong hợp đồng. Việc thanh toán đối với hợp đồng trọn gói được thực hiện nhiều lần trong quá trình thực hiện hoặc thanh toán một lần khi hoàn thành hợp đồng. Tổng số tiền mà nhà thầu được thanh toán cho đến khi hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng bằng đúng giá ghi trong hợp đồng. Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn đơn giản; gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có quy mô nhỏ phải áp dụng hợp đồng trọn gói.

Theo quy định tại  Điều 63 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, gói thầu mua sắm hàng hóa có giá trị gói thầu không quá 10 tỷ đồng được coi là gói thầu quy mô nhỏ.

Như vậy, gói thầu mua thuốc của Bệnh viện có giá gói thầu 9 tỷ đồng được coi là gói thầu mua sắm hàng hóa quy mô nhỏ. Theo đó, gói thầu này phải áp dụng loại hợp đồng trọn gói theo quy định nêu trên mà không được phép áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá cố định.

Tính chất trọn gói ở đây được hiểu là áp dụng đối với toàn bộ số lượng thuốc nêu trong hợp đồng, điều đó có nghĩa là khi tham dự thầu, nhà thầu phải chào giá trọn gói cho việc cung cấp 1 triệu viên thuốc theo đúng yêu cầu của HSMT. Trường hợp nhà thầu được công nhận trúng thầu với giá trúng thầu và giá hợp đồng là “A” đồng thì nhà thầu sẽ được thanh toán đúng giá trị “A” đồng nếu cung cấp cho bệnh viện 1 triệu viên thuốc theo đúng quy định trong HSMT và hợp đồng.

Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của gói thầu cung cấp thuốc, số lượng thuốc sử dụng trong năm phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh và nhu cầu khám chữa bệnh của người dân nên thông thường số lượng thuốc sử dụng thực tế khác so với số lượng thuốc ghi trong hợp đồng. Do đó, trong trường hợp này, để bảo đảm việc mua thuốc được tiết kiệm, hiệu quả, trong HSMT và hợp đồng cần quy định rõ loại hợp đồng là trọn gói ứng với số lượng thuốc trúng thầu (1 triệu viên, giá hợp đồng: “A” đồng); trường hợp số lượng thuốc sử dụng thực tế khác so với số lượng ghi trong hợp đồng (tăng hoặc giảm) thì giá trị thanh toán sẽ căn cứ theo số lượng sử dụng thực tế và đơn giá trúng thầu của một viên thuốc.

Như vậy, với cách quy định về mua thuốc trong HSMT và trong hợp đồng đối với trường hợp áp dụng loại hợp đồng trọn gói như nêu trên sẽ bảo đảm vừa tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu vừa tiết kiệm, hiệu quả trong việc mua sắm thuốc. Ngoài ra, việc HSMT có quy định rõ ràng về cách thanh toán cho nhà thầu trong trường hợp số lượng thuốc dùng thực tế khác so với số lượng mời thầu sẽ giúp cho các nhà thầu chủ động xây dựng và tính toán phương án chào thầu phù hợp.

Chuyên đề