Án ngân hàng, hạn mức và trách nhiệm

(BĐT) - Nhìn lại các án ngân hàng, có thể nói, Agribank là ngân hàng phát sinh nhiều “đại án” nhất, từ vụ án ở Công ty cho thuê tài chính II (ALCII) đến vụ án ở Chi nhánh 6, Chi nhánh 7, Chi nhánh Hồng Hà và nay là Chi nhánh Nam Hà Nội.
Tại Agribank, cơ chế kiểm tra, giám sát chéo chịu sự chi phối rất lớn từ các giám đốc chi nhánh. Ảnh: NC st
Tại Agribank, cơ chế kiểm tra, giám sát chéo chịu sự chi phối rất lớn từ các giám đốc chi nhánh. Ảnh: NC st

Sai phạm từ cấp trụ sở đến chi nhánh

Trong các vụ án này, cán bộ ngân hàng đã có nhiều sai phạm, không tuân thủ đúng quy trình nghiệp vụ do ngân hàng ban hành cũng như các quy định khác của pháp luật. Sai phạm này xảy ra từ khâu thẩm định hồ sơ cho đến kiểm tra giám sát sau giải ngân.

Chẳng hạn, trong vụ án xảy ra ở Agribank Chi nhánh 6, cựu Giám đốc Chi nhánh đã cho khách hàng vay để đầu tư dự án nhưng dự án này chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hơn nữa, hạn mức cho vay cũng vượt quyền phán quyết mà không có sự chấp thuận của Trụ sở chính. Sau khi giải ngân, doanh nghiệp mượn lại sổ đỏ để “nộp cho Sở Tài nguyên và Môi trường để đổi sang sổ mới và hoàn tất thủ tục pháp lý”. Đáng lẽ khi cho mượn tài sản thế chấp, cán bộ ngân hàng phải đi kèm, nhưng Chi nhánh 6 đã không tuân thủ quy định này, dẫn đến doanh nghiệp đem tài sản thế chấp bán luôn.

Hay như vụ án xảy ra tại Chi nhánh Nam Hà Nội, vụ án lớn với thiệt hại gần 2.500 tỷ đồng và nguyên Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc của Ngân hàng đã bị truy tố với vai trò đồng phạm, ngân hàng đã cho vay mà không thẩm định thực tế, chỉ xem xét trên hồ sơ do doanh nghiệp cung cấp, dẫn đến không thu hồi được vốn vay.

Bên cạnh đó, có một vấn đề đáng chú ý liên quan đến hạn mức phán quyết trong hệ thống Agribank, từ một số vụ án đã được đưa ra xét xử thì giám đốc chi nhánh cấp 1 được quyền phán quyết đối với các khoản vay từ 80 tỷ đồng trở xuống. Với những khoản vay lớn hơn, chi nhánh phải xin ý kiến Trụ sở chính. Tuy nhiên, hạn mức này hoặc là bị vi phạm, hoặc là được chi nhánh làm đẹp hồ sơ để trụ sở phê duyệt.

Với vụ án xảy ra ở Chi nhánh 6, Giám đốc Chi nhánh đã cho vay hàng trăm tỷ đồng mà không hề trình Trụ sở chính phê duyệt. Biện pháp mà Giám đốc và các nhân viên ở đây áp dụng “liều” đến độ khiến người ta giật mình: lấy Quyết định nâng quyền phán quyết cho vay của dự án khác đưa vào để hợp lý hóa hồ sơ cho vay.

Còn tại Chi nhánh Nam Hà Nội, khi Liên doanh Lifepro đề nghị ngân hàng cho vay vốn để thực hiện Dự án Luxfashion với hạn mức lên tới 150 triệu USD, Chi nhánh đã trình Trụ sở chính xin nâng quyền phán quyết cho vay. Hồ sơ doanh nghiệp gửi đến bao gồm hồ sơ pháp lý, hồ sơ kinh tế, và phương án kinh doanh. Chi nhánh đã tiến hành thẩm định trên… giấy, tức là hoàn toàn dựa vào hồ sơ, báo cáo doanh nghiệp gửi tới mà không thẩm định thực tế nhưng vẫn lập báo cáo đánh giá khả thi dự án. Từ những hồ sơ, kết quả thẩm định này, Chi nhánh đã trình Trụ sở chính để HĐQT ra Nghị quyết nâng quyền phán quyết cho vay. Hậu quả là hàng nghìn tỷ đồng của ngân hàng được cho vay mà không thu hồi được.

Lãnh đạo nào cũng làm đúng quy trình

Dù mức thiệt hại lớn, nhiều trường hợp, các cán bộ ngân hàng được hưởng lợi cá nhân nhưng trước Tòa án, những lãnh đạo ngân hàng từ cấp chi nhánh đến Trụ sở chính vẫn khẳng định, họ đã làm đúng quy trình, quy định và chẳng có trách nhiệm gì hoặc nếu có thì rất ít.

Chẳng hạn trong việc thẩm định hồ sơ của Liên doanh Lifepro, cựu Giám đốc Chi nhánh Nam Hà Nội Phạm Thị Bích Lương khẳng định, đã xem xét, cân nhắc, đánh giá rất kỹ tính khả thi của dự án trước khi đề nghị Trụ sở chính nâng mức phán quyết cho vay. Thậm chí, do dự án thuộc liên doanh nước ngoài, quy mô lớn, Chi nhánh còn thuê Công ty CP Thẩm định giá Avalue Việt Nam cho bảo đảm. Còn cựu Phó Giám đốc Chử Thị Kim Hiền trình bày đã làm hết trách nhiệm của Tổ trưởng Tổ thẩm định, đã phân công, giao nhiệm vụ và đôn đốc các thành viên tiến hành thẩm định, lập báo cáo. Sau đó, Chử Thị Kim Hiền đã ký tờ trình đề nghị nâng mức phán quyết cho vay.

Nhưng thực tế thì chính cán bộ cấp dưới của Phạm Thị Bích Lương, Chử Thị Kim Hiền thừa nhận họ chỉ thẩm định dựa trên hồ sơ doanh nghiệp cung cấp, không tiến hành thẩm định thực tế và việc này do lãnh đạo chỉ đạo.

Tương tự, ở cấp Trụ sở chính, cựu Tổng giám đốc Agribank phủ nhận trách nhiệm khi ký tờ trình đề nghị HĐQT ra Nghị quyết nâng mức phán quyết cho vay đối với Dự án Luxfashion.

Giám đốc chi nhánh cấp 1 của Agribank có quyền phán quyết không quá 80 tỷ đồng trong khi khối ngân hàng TMCP, giám đốc chi nhánh đôi khi chỉ có mức phán quyết không quá 500 triệu đồng. Chỉ nhìn con số thì dường như nếu có rủi ro từ yếu tố đạo đức nghề nghiệp của cán bộ thì ngân hàng TMCP sẽ gánh chịu hậu quả ít hơn. Nhưng thế không có nghĩa là giảm hạn mức xuống thì sẽ giảm rủi ro. Một cơ chế kiểm tra, giám sát chéo hoạt động hiệu quả sẽ giúp ngân hàng giảm thiểu nguy cơ mất vốn. Vấn đề là, cơ chế này, ở Agribank, phần lớn đang nằm ngay tại chi nhánh và chịu sự chi phối rất lớn từ chính giám đốc chi nhánh. 

Chuyên đề