54 xe Rolls-Royce, Bentley được mang từ Mỹ về trái phép

Vinh móc nối cảnh sát xuất nhập cảnh tại TP HCM, thuê nhiều Việt kiều mang trái phép 54 xe Porsche, Bentley… về Việt Nam.
Các bị cáo tại tòa hôm nay.
Các bị cáo tại tòa hôm nay.

Ngày 7/9, Nguyễn Quang Vinh, Trần Thái Nguyên (cùng 36 tuổi), Trần Phước Thạnh (51 tuổi) và Nguyễn Giang Lam (43 tuổi, nguyên cán bộ Phòng quản lý Xuất nhập cảnh Công an TP HCM) bị TAND TP HCM xét xử về tội Buôn lậu.

Liên quan vụ án, Bùi Khắc Hà (43 tuổi, nguyên cán bộ Cục quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.

Ngày 9/6/2009, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 118/2009/TT-BTC, cho phép người Việt định cư tại nước ngoài (đã hoàn tất thủ tục đăng ký thường trú tại Việt Nam) khi hồi hương được phép nhập khẩu một ôtô cá nhân đang sử dụng, hoàn toàn miễn thuế.

Theo cáo trạng, Vinh và đồng phạm lợi dụng quy định trên, thuê Việt kiều đứng ra nhập xe về bán kiếm lời. Nhóm người này móc nối với Lam, nhờ các cán bộ Cục quản lý xuất nhập cảnh đóng dấu khống.

Khi hợp thức hóa thủ tục, nhóm Vinh lấy thông tin của các Việt kiều cung cấp cho đồng phạm sống ở Mỹ. Từ đây, họ mua xe tại Mỹ và thuê hãng tàu vận chuyển về tiêu thụ cho các salon ở TP HCM.

Cơ quan điều tra xác định, từ tháng 1/2011 đến cuối năm 2012, đường dây của Vinh đã làm thủ tục nhập khẩu ôtô, môtô cho 64 Việt kiều hồi hương. Trong đó, 54 xe được thuê mướn để hợp thức hoá hành vi buôn lậu, bao gồm ôtô Rolls Royce, Land Rover, Bentley, Lexus, Audi, BMW, Porsche... và 12 môtô phân khối lớn; trị giá hơn 350 tỷ đồng.

Theo Cục Hải quan TP HCM, nếu nhập bình thường các xe sang này phải chịu thuế hơn 200 tỷ, trong khi Vinh và đồng phạm chỉ phải đóng hơn 64 tỷ.

Qua đó, Lam bỏ túi 360.000 USD từ việc thuê và giới thiệu cho Vinh 36 Việt kiều. Vinh và Thạnh thu lợi 556 triệu đồng còn Nguyên được hưởng 478 triệu.

Cuối năm 2015, TAND TP HCM xử sơ thẩm lần một, tuyên phạt Quang và Lam cùng 16 năm tù; Nguyên và Thạnh lần lượt lĩnh 9 và 12 năm.

Đến tháng 10/2016, đánh giá tòa cấp dưới chưa làm rõ kẻ chủ mưu, TAND Cấp cao tại TP HCM tuyên hủy toàn bộ bản án này. Ngoài ra, cấp phúc thẩm quyết định cho Vinh và Nguyên được tại ngoại, còn Lam và Thạnh vẫn bị tạm giam do liên quan chặt chẽ đến các nội dung cần làm rõ.

Tháng 10/2017, nhà chức trách bắt giam Bùi Khắc Hà do xác định ông này đã đóng dấu kiểm chứng xuất nhập khẩu khống vào hộ chiếu của 16 Việt kiều. Tuy nhiên, tại cơ quan điều tra Hà khai chỉ làm giúp Lam chứ không nhằm mục đích buôn lậu.

Liên quan vụ án, các Việt kiều đã ký khống bán tiêu chuẩn miễn thuế nhưng không nhận thức được nguồn gốc và giá trị xe nhập lậu nên không bị xử lý. Các cán bộ cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất có liên quan nhưng chỉ bị xử lý kỷ luật do không hưởng lợi.

Cựu cán bộ Công an TP HCM phản bác cáo buộc

Trả lời HĐXX hôm nay, Vinh nói bằng giọng rành mạch, cho biết được các chủ salon đề nghị mang xe về nước tiêu thụ. "Giá bán xe do chủ salon và người mua thỏa thuận, bị cáo chỉ hưởng 10.000 USD tiền cò và 2.000 USD phí dịch vụ cho mỗi chiếc", ông ta nói.

Thừa nhận hành vi, Thạnh và Nguyên khai có nhiệm vụ tổng hợp hồ sơ giao cho Vinh để xin cấp giấy phép nhập khẩu.

Riêng Lam phản bác cáo buộc, cho rằng bản thân không nhờ Hà đóng dấu kiểm chứng xuất nhập khẩu khống vào hộ chiếu của 16 Việt kiều. "Cáo trạng đưa ra các bằng chứng không đúng, gây oan sai cho bị cáo", cựu cảnh sát khẳng định.

Về việc này, Hà giữ nguyên lời khai như tại cơ quan điều tra: "Lam nhờ giúp đỡ, bị cáo vì mối quan hệ đồng nghiệp mà làm chứ không hưởng lợi".

Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 10/9.

Chuyên đề