10 năm thu hồi dưới 10% tài sản tham nhũng

(BĐT) - Là luật khó, với các lo ngại về tính khả thi, hiệu lực và hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng (PCTN), do đó, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất xem xét, thông qua Dự án Luật PCTN (sửa đổi) tại 3 kỳ họp. 
Trong 10 năm, tham nhũng đã gây thiệt hại hơn 59.750 tỷ đồng và 400 ha đất. Ảnh: Quang Tuấn
Trong 10 năm, tham nhũng đã gây thiệt hại hơn 59.750 tỷ đồng và 400 ha đất. Ảnh: Quang Tuấn

Việc này giúp cơ quan soạn thảo có thể tiếp thu kỹ lưỡng các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội về các vấn đề như mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng kê khai tài sản thu nhập, xử lý hành vi tham nhũng…

Băn khoăn mở rộng phạm vi điều chỉnh

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, công tác thu hồi tài sản tham nhũng tiếp tục gặp khó khăn. Trong 10 năm, số thiệt hại do tham nhũng là hơn 59.750 tỷ đồng và 400 ha đất, nhưng chỉ thu hồi được 4.676 tỷ đồng và 216 ha đất, tức chỉ xấp xỉ 10%. Khó khăn thu hồi tài sản tham nhũng do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân pháp luật chưa có cơ chế xử lý sớm tài sản tham nhũng.

Bên cạnh đó, hệ thống cơ quan PCTN ở nước ta vẫn còn cồng kềnh và chưa hiệu quả. Nếu tính tổng các tổ chức, đơn vị chuyên trách và Văn phòng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN thì hệ thống cơ quan PCTN tuy có đến 478 đầu mối chuyên trách, nhưng công tác phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng vẫn còn rất hạn chế.

Trước thực trạng này, bày tỏ quan điểm về việc cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật, đại biểu Trần Tất Thế (đoàn Hà Nam) thông tin, thực tế tình hình tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước đã xuất hiện và đang phát triển phức tạp, khó kiểm soát, nhất là trong các lĩnh vực như vay vốn đầu tư, đấu thầu, ký kết hợp đồng giữa các doanh nghiệp. Do đó, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật sang khu vực ngoài nhà nước là phù hợp. Tuy nhiên, đại biểu này cũng nhấn mạnh, cần thận trọng, tránh làm phát sinh việc lạm quyền, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức nhà nước, làm ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp.

Ở góc tiếp cận khác, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (đoàn Hà Nội) lại cho rằng, không nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật vì phải xác định làm rõ về các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước và có biện pháp phù hợp, hiệu quả thì mới có thể phát huy tác dụng của PCTN. Việc mở rộng phạm vi ra khu vực ngoài nhà nước là nhầm lẫn giữa các chủ thể tham gia thực hiện có hành vi tham nhũng cũng như việc xác định tài sản tham nhũng.

Đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) thì bày tỏ quan điểm, nên mở rộng đối tượng ở những chỗ cần thiết, trong đó có việc phải xác định rõ đường đi của tài sản nhà nước bị tham nhũng. “Tiền nhà nước đang lọt ra chủ yếu thông qua các dự án đầu tư, việc tính thuế, giao rừng, khai thác tài nguyên khoáng sản, cấp quyền. Các doanh nghiệp khi chạy dự án còn mất đủ mọi loại chi phí cho nhiều vị trí. Mất rồi thì phải thu lại, nên có những chi phí tính bằng tỷ lệ, không đúng tỷ lệ là không xong. Vì vậy, bây giờ phải quan tâm chống tham nhũng ở những chỗ này”, đại biểu Phương nêu rõ. 

Yêu cầu công khai nhiều nội dung

Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ), một trong những việc để không thể tham nhũng là cần công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Dự thảo Luật đã có 1 mục để quy định về vấn đề này, nhưng nội dung công khai còn chung chung. Vì vậy, cần nghiên cứu quy định cụ thể hơn như công khai quy trình, quá trình thực hiện bằng cách công khai hồ sơ, tài liệu trên mạng.

Đại biểu Hàm cũng đề nghị cần bổ sung vào Dự thảo Luật việc công khai, minh bạch 2 nội dung. Một là, công khai, minh bạch về quy trình các bước công việc và thời gian giải quyết công việc giữa các cơ quan nhà nước, giữa cơ quan cấp trên và cơ quan cấp dưới, giữa các bộ và các địa phương. Hai là, công khai, minh bạch trong đấu thầu, đầu tư xây dựng và mua sắm công bằng cách đẩy mạnh đấu thầu qua mạng. Với riêng lĩnh vực đấu thầu, nếu chưa triển khai được đấu thầu qua mạng toàn bộ các gói thầu thì mọi hồ sơ, tài liệu liên quan đến quá trình đấu thầu cần phải được công khai trên trang thông tin về đấu thầu, để người dân và các cơ quan quản lý biết và giám sát.

Đồng thuận với việc phải có cơ chế công khai, minh bạch mới giúp đấu tranh PCTN hiệu quả, đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) nêu quan điểm, việc công khai, minh bạch là để người dân và các cơ quan quản lý biết và tham gia vào quá trình giám sát. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước là phải giải trình được khi có dư luận hoặc các cơ quan báo chí yêu cầu.

Chuyên đề