Thị trường bất động sản, phập phù mừng, lo

(BĐT) - Thị trường bất động sản (BĐS) ở TP.HCM đang nóng lên thực sự hay chỉ là một hiện tượng ấm nhất thời? Câu hỏi này đang gây nhiều tranh cãi không chỉ giữa các chuyên gia, mà còn giữa các chủ đầu tư.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Sôi động nhưng mong manh

Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM, không tính các dự án phân lô bán nền, nguồn cung căn hộ ở TP.HCM trong năm 2016 ước khoảng 57.000 căn. Nếu lấy con số trên chia cho 4 quý trong năm, điều này cũng đồng nghĩa, cứ mỗi quý các công ty BĐS tung ra thị trường hơn 14.000 căn hộ. Một số liệu thống kê khác cho thấy, chỉ trong quý II/2016 đã có thêm khoảng 11.000 căn hộ gia nhập thị trường. Điều đáng suy nghĩ là, con số ấy cao hơn quý I đến 20% nhưng so với cùng kỳ năm ngoái lại thấp hơn 10%.

Không thể phủ nhận là, từ năm 2015 đến nay, thị trường căn hộ ở TP.HCM đã liên tục tạo ra những bước đột phá mới khi số lượng giao dịch tăng mạnh. Trong đó, căn hộ ở phân khúc trung bình, giá tăng khoảng 8-10%, riêng căn hộ ở phân khúc cao cấp tăng ở mức trên dưới 3%. Đặc biệt, với phân khúc đất nền hay nhà phố, từ năm 2015 đến nay, giá còn tăng từ 10% đến 30%.

Ông Lương Sỹ Khoa, Phó Tổng giám đốc An Gia Investment cho rằng, với tất cả những gì đang diễn ra, chúng ta có quyền đặt niềm tin vào một thị trường đang trong chiều hướng phát triển ổn định. Việc sửa đổi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước đương nhiên đã tạo ra những phản ứng bất lợi cho thị trường khi giao dịch có phần chậm lại. Nhưng đến nay, dường như thị trường đã kịp thích nghi và vượt qua một cách ngoạn mục.

Điều gì đang chờ đợi phía trước?

Thị trường BĐS cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng từ đầu năm 2016 đến nay đang diễn ra theo chiều hướng có nhiều bất lợi, khiến giới chuyên môn và các công ty nghiên cứu tỏ ra quan ngại. Các số liệu nghiên cứu về thị trường BĐS công bố mới đây dù có nhiều điểm chưa khớp nhau về con số nhưng đều đánh giá thị trường đang đi xuống như nhau.

“Quý II/2016, lượng giao dịch căn hộ ở TP.HCM đã giảm gần 35% so với quý I và giảm mạnh đến 45% so với năm 2015. Nguyên nhân do xu hướng bội cung đang diễn ra, trong khi tỷ lệ hấp thu của thị trường đối với các dự án mới lại thấp, chỉ chưa đến 20%. Ở TP.HCM, trong năm 2016 và 2017, dự kiến tổng nguồn cung sẽ tăng gấp 4 lần so với năm 2015, và trong những năm tới vẫn chưa hề có dấu hiệu chững lại” - chủ một doanh nghiệp BĐS chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều doanh nghiệp cho rằng, thị trường BĐS hiện nay đang bước vào cuộc “so găng” quyết liệt, cho nên các chủ đầu tư không đặt mục tiêu siêu lợi nhuận như trước đây. Ông Phùng Chu Cường, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Phú Long cho hay, hơn ai hết, các chủ đầu tư đã tự “mở đường máu” để thích ứng với thị trường. Hiện căn hộ nói chung và căn hộ cao cấp nói riêng chỉ loanh quanh khoảng 50 - 60m2, nhỉnh hơn thì từ 70 - 100m2, cho dễ tiêu thụ, chứ không như trước đây thường hướng đến diện tích lớn, giá trị lớn.

Thị trường hiện nay dù đang le lói những âu lo cho một viễn cảnh khó khăn đang chực chờ phía trước, nhưng dường như các chủ đầu tư ai cũng đang tự tin vào “át chủ bài” riêng của mình. Giới nghiên cứu thị trường và các chuyên gia về BĐS vì là người có khoảng lùi để quan sát thị trường nên họ tỏ ra hết sức lo lắng. Tuy nhiên, các chủ đầu tư vì họ là những người nhập cuộc sâu nên như người hùng trong cơn say máu, khó bứt ra được. Với họ, dẫu sao câu trả lời vẫn đang nằm phía trước.

Chuyên đề