Bất động sản: Cần thận trọng với kế hoạch lớn

Nguồn cung tiếp tục tăng, trong khi ngân hàng siết tín dụng BĐS. Cũng dễ hiểu bởi bên mua lẫn bên bán đều quá phụ thuộc vào vốn ngân hàng là những yếu điểm dễ làm thị trường BĐS đóng băng. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp BĐS đã phải thận trọng xét lại những kế hoạch khủng cho năm nay.
Nhiều doanh nghiệp BĐS bắt đầu thận trọng với nguồn cung căn hộ trong năm 2016. Ảnh: LONG THANH
Nhiều doanh nghiệp BĐS bắt đầu thận trọng với nguồn cung căn hộ trong năm 2016. Ảnh: LONG THANH

Không thể ăn theo dự báo lạc quan

Lấy cảm hứng từ đà tăng trưởng trong năm 2015, nhiều doanh nghiệp đã dự báo lạc quan về thị trường trong năm 2016. Ông Phan Thành Huy, Tổng giám đốc Novaland, cho rằng thị trường BĐS Việt Nam năm 2016 được dự báo là sẽ tốt hơn và bước vào giai đoạn phát triển mới.

Thị trường trong năm 2015 phục hồi ấn tượng có phần đóng góp không nhỏ từ những chính sách luật của Nhà nước. Nhưng doanh nghiệp mới chỉ “sống lại” sau nhiều năm “chết lâm sàn”, nếu có những chính sách không phù hợp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển chung của toàn xã hội.Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam
Cùng với đà đi lên của thị trường, Tập đoàn Novaland tiếp tục khẳng định vị thế và dự kiến giới thiệu thêm 5 dự án mới với khoảng 4.000 sản phẩm, trong đó tập trung vào các dự án tại khu trung tâm và sản phẩm nhà phố, biệt thự, đặc biệt lần đầu tiên giới thiệu ra thị trường các dự án khu đô thị quy mô lớn.

Tuy nhiên, mới đây lãnh đạo Novaland cho biết số lượng dự án phát triển mới có thể thay đổi tùy thuộc vào nhu cầu của thị trường từ đây cho đến cuối năm. Bởi với những tín hiệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc hạn chế và kiểm soát tín dụng, Novaland sẽ tập trung phát triển và hoàn thành các dự án đã công bố, hạn chế mua thêm dự án mới để không tăng dư nợ, đảm bảo thanh khoản, chất lượng sản phẩm.

Sau một thời gian im ắng, CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) cũng chuẩn bị một kế hoạch lớn trong năm 2016. Dự kiến mỗi tháng công ty sẽ đưa ra thị trường 1 dự án mới ở nhiều phân khúc khác nhau. Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Sacomreal, cho rằng sau một thời gian trầm lắng thị trường sẽ bước vào giai đoạn phát triển trở lại.

Trong khi đó, Hưng Thinh Corp đặt mục tiêu tăng trưởng cho năm nay 10% so với năm 2015 và dự kiến sẽ đưa ra thị trường khoảng 6.000 sản phẩm. Ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land, cho biết những ngày sau Tết bình quân lượng giao dịch vẫn rất tốt với vài chục sản phẩm mỗi ngày. Tuy nhiên, Hưng Thịnh Land cũng sẽ luôn thực hiện tôn chỉ “tạo sản phẩm tốt nhất, dịch vụ tốt nhất, giá cả hợp lý nhất” trong bất kỳ hoàn cảnh nào để thu hút khách hàng, phát triển ổn định lâu dài. Không chỉ các “ông lớn” mà nhiều doanh nghiệp khác cũng khá lạc quan khi xây dựng kế hoạch cho năm 2016.

Tuy nhiên, những thông tin gần đây cũng làm nhà đầu tư có phần lo lắng. Theo các chuyên gia kinh tế, việc phụ thuộc quá lớn vào vốn vay ngân hàng là yếu huyệt của thị trường BĐS. Khi các ngân hàng đã đẩy mạnh tín dụng trung, dài hạn trong năm 2015, sẽ khó có nguồn vốn dồi dào cho lĩnh vực BĐS trong năm 2016. Ngoài ra hệ thống ngân hàng vẫn trong quá trình xử lý nợ, trong đó có lượng lớn là BĐS, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của thị trường BĐS. Nguy cơ thị trường sẽ bị khan vốn, trong khi nguồn cung mới tăng mạnh trong giai đoạn 2016-2018 khiến chênh lệch cung-cầu BĐS ngày càng lớn, sẽ tạo ra thừa cung.

Xem xét trên bình diện chung

Dù chỉ là dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20-11-2014, nhưng giới đầu tư- kinh doanh BĐS đặc biệt quan tâm hiện nay. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, cho biết dự thảo nói trên có 2 nội dung rất quan trọng mà nếu được thông qua có thể sẽ tác động nghiêm trọng đến thị trường BĐS năm 2016 và những năm tiếp theo.

Thứ nhất, giảm trần sử dụng vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn từ 60% hiện nay xuống còn 40%. Thực chất là hạn chế nguồn cung tín dụng trung và dài hạn vào thị trường BĐS.

Thứ hai, tăng hệ số rủi ro từ 150% hiện nay lên 250% đối với nhóm tài sản thuộc các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS. Ông Châu cho rằng thị trường BĐS nước ta đang phụ thuộc rất lớn vào 2 nguồn vốn: tín dụng ngân hàng và huy động từ khách hàng, trong khi nguồn từ khách hàng phần lớn lại có nguồn gốc từ ngân hàng. Thị trường vốn trong nước vẫn đang thiếu các nguồn vốn khác như các quỹ đầu tư (kể cả quỹ đầu tư mạo hiểm), quỹ tín thác BĐS, quỹ tiết kiệm nhà ở, nguồn vốn từ thị trường chứng khoán...

Hoạt động đầu tư phát triển, kinh doanh BĐS là hoạt động có tính chất trung hạn, dài hạn, nhưng trên thực tế chưa có cơ chế đầy đủ để tạo lập nguồn vốn đầu tư, nguồn vốn tín dụng trung, dài hạn. Ở nước ta, nếu được vay trung hạn, dài hạn lãi suất sẽ cao hơn lãi suất vay ngắn hạn, trong khi ở các nước khác thì ngược lại.

Mặt khác, tuy là nguồn vốn huy động ngắn hạn nhưng tài khoản huy động này của hệ thống ngân hàng lại chiếm một tỷ lệ tương đối ổn định. Ở tầm quản lý vĩ mô NHNN có đầy đủ thông tin để đưa ra trần sử dụng vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn một cách hợp lý nhất trong từng giai đoạn nhất định, mà vẫn đảm bảo an toàn hệ thống, đi đôi với kiểm soát, xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng vi phạm.

Nhiều chuyên gia cho rằng trong tình hình hiện nay đề nghị chưa sửa đổi Thông tư 36, bởi thông tư này mới được triển khai thực hiện 1 năm và đang phát huy tác dụng tích cực đến nền kinh tế và góp phần củng cố đà phục hồi và tăng trưởng của thị trường BĐS, tạo điều kiện cho người dân an cư lạc nghiệp. Trong khi đó, các chỉ số ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng, kiểm soát lạm phát đang được giữ vững, chưa có nguy cơ xảy ra "bong bóng" BĐS trong năm 2016.

Chuyên đề