Vinalines bán tàu thanh lý: Quyết tâm bán vì càng “ôm” càng lỗ

Liên quan đến việc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) thanh lý 6 tàu  "già" để cắt lỗ, ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ quản lý Doanh nghiệp (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, về thẩm quyền, việc thanh lý tàu thuộc Hội đồng thành viên Vinalines quyết định.
Tàu Vinalines Trader năm đóng 1997, trọng tải 69.614 DWT được Vinalines thanh lý. (Nguồn: shipspotting)
Tàu Vinalines Trader năm đóng 1997, trọng tải 69.614 DWT được Vinalines thanh lý. (Nguồn: shipspotting)

“Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu rà soát, tính toán cẩn trọng kỹ lưỡng các phương án giữ lại để khai thác hay là bán để cắt lỗ nhằm lựa chọn phương án tối ưu, sau đó báo cáo Bộ Giao thông và Bộ Tài chính giám sát quá trình thực hiện,” ông Minh khẳng định.

Thiếu chiến lược đầu tư đội tàu 

Lý giải cho việc thanh lý hàng loạt các tàu này, ông Minh đưa ra nguyên nhân, đội tàu qua một thời gian quản lý khai thác đầu tư, thị trường vận tải biển xuống quá thấp (thời kỳ đỉnh cao chỉ số tàu hàng khô lên tới 12.000 điểm). Tuy nhiên, sau đó, do ảnh hưởng sâu rộng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới mà ngành hàng hải phải gánh chịu những tổn thất nặng nề khi giá cước vận tải biển nhanh chóng tụt dốc thảm hại và chỉ số chạm đáy còn 300-400 điểm.

“Hơn nữa, đội tàu này được đầu tư trong giai đoạn rất ‘nóng’ nên giá tàu, giá cước cao nên vẫn có lời. Khi thị trường đi xuống, giá tàu thấp đi, giá cước giảm sâu dẫn đến các chi phí tài chính, lãi suất tăng nên tàu kinh doanh thua lỗ bên cạnh yếu tố khách quan là chính thì vẫn có yếu tố chủ quan đấy là việc quyết định đầu tư,” vị Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp nhìn nhận.

Đưa ra dẫn chứng, vào thời kỳ “hoàng kim” của ngành vận tải biển, giá cước thuê định hạn tàu lên tới 60.000 USD/ngày và trừ đi chi phí tàu có thể lời đến 30.000-40.000 USD/ngày nên Vinalines đầu tư rất mạnh. Khi thị trường suy thoái, chỉ ngày hôm sau tụt xuống còn 6.000-7.000 USD/ngày trong khi chi phí vẫn như cũ đã dẫn đến thua lỗ.

Ngoài ra, trước đây, ngành hàng hải tập trung rất nhiều vào tàu hàng khô vì tàu này rẻ, chi phí đầu tư thấp, khả năng hoàn vốn nhanh nên các tổ chức tín dụng rất dễ chấp nhận cho vay. Khi thị trường hàng hải khủng hoảng tàu, những tàu thanh lý này đều là tàu hàng khô và chịu thiệt hại nặng, giá cước tàu vận tải sụt giảm nhanh nhất, trong khi tàu container và tàu hàng lỏng cũng giảm nhưng không nhiều. 

“Điều đó cho thấy, trong quá trình đầu tư, cơ cấu đội tàu đã bị chạy theo thị trường nhiều, trong khi hoạch định chiến lược và phân tích kỹ lưỡng thì chúng ta thiếu về nghiên cứu chiến lược,” ông Minh nhấn mạnh.

Chính vì thế, ông Minh cho rằng, trong đề án tái cơ cấu, có cả tái cơ cấu đội tàu với mục đích là rà soát lại toàn bộ đội tàu đang khai thác xem tàu nào "già," khai thác không hiệu quả, thanh lý tàu già với mục đích làm trẻ hóa đội tàu đồng thời dừng và giãn tiến độ triển khai đối với một số dự án đóng mới được xác định là không khả thi khi đầu tư tiếp. 

Giảm áp lực nợ

Bày tỏ quan điểm danh sách 6 tàu thanh lý, theo ông Minh, các tàu này nếu tính toán tiếp tục khai thác tạo ra thua lỗ lớn và theo dự báo trên cơ sở thị trường hiện nay, duy trì thêm 3 năm nữa thì sẽ lỗ rất lớn.

“Do đó, bắt buộc tính toán là nên tiếp tục khai thác hay là cắt lỗ? Nếu bán tại thời điểm này sẽ đưa ra một khoản lỗ chênh lệch giữa mua và bán tàu đồng thời dòng tiền đó trả cho ngân hàng để giảm áp lực nợ. Phần nợ còn lại sẽ phải đàm phán với các tổ chức tín dụng chia sẻ rủi ro, thiệt hại thì lợi hơn là để tàu tiếp tục khai thác,” ông Minh cho biết.

Là đơn vị trực tiếp khai thác các tàu thanh lý này, đại diện lãnh đạo Vinalines khẳng định, Tổng công ty quyết tâm bán các tàu “tuổi cao sức yếu” bởi nếu để kinh doanh lâu dài sẽ không mang lại hiệu quả.

Các tàu này nếu chạy sẽ lỗ lớn, không trả được nợ và lãi mua tàu. (Nguồn: shipspotting)

Đưa ra cơ sở mức giá bán tàu dự kiến này, phía Vinalines cho rằng, đã tham chiếu giá bán trên thế giới (lấy giá bán tàu cùng trọng tải trước đó một tuần trên thế giới) của một số đơn vị môi giới tàu thống kê đồng thời khẳng định phải thuê tổ chức định giá nhằm xác định giá trị tàu khi triển khai thực hiện phương án bán tàu.

Thuyết phục ngân hàng để bán

“Giá bán tàu phải báo cáo công khai, đây không phải là con số xin chốt vì thị trường có lúc lên lúc xuống. Bộ Giao thông Vận tải giao cho Hội đồng thành viên Vinalines thẩm quyền bán nên phải làm hết sức chặt chẽ. Nếu không mạnh dạn xử lý thì sẽ là trách nhiệm của lãnh đạo quản lý điều hành hiện tại đối với tương lai phát triển của doanh nghiệp,” lãnh đạo Vinalines khẳng định.

Để có thể thanh lý được số tàu này, theo đại diện Vinalines, tàu là tài sản thế chấp vay ngân hàng. Do đó, khi bán phải có sự đồng thuận, thuyết phục được phía ngân hàng bán tàu là giải pháp khả thi nhất. Phương án bán tàu là cơ cấu nợ, cắt lỗ và xử lý nợ xấu cho ngân hàng (giảm chi phí lãi vay, thu hồi vốn vay). Hiện, mỗi tàu có một phương án bán riêng nên vẫn đang đàm phán với ngân hàng.

Đặt câu hỏi đến việc số tàu này nếu bán, Vinalines làm sao đảm đương được năng lực vận tải biển, đại diện Tổng công ty này phân trần, 6 tàu này là nằm trong số hơn 100 tàu của đơn vị. Vì thế, Vinalines phải điều tiết, tìm gam tàu phù hợp, tập trung vào vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu và cả hàng hóa vận chuyển nội địa, phát triển mạnh đội tàu container để giảm tải đường bộ.

Khẳng định thẩm quyền thanh lý tàu thuộc Hội đồng thành viên Vinalines quyết định, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường, Hội đồng thành viên Vinalines căn cứ quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty, Quyết định số 276/QĐ-TTg ngày 4/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan để triển khai thực hiện theo đúng thẩm quyền quy định.

“Trong quá trình triển khai phải phân tích, so sánh chi tiết các phương án để lựa chọn phương án khả thi nhất. Quá trình triển khai việc thanh lý, nhượng bán tài sản phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản, vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp,” Thứ trưởng Trường cho hay./.

Liên quan đến phương án cổ phần hóa Vinalines, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa, xác định giá trị doanh nghiệp, xây dựng phương án cổ phần hóa để trình thủ tướng quyết định.

Hiện nay, phương án cổ phần hóa Vinalines chưa được Thủ tướng phê duyệt và đang chờ Thường trực Chính phủ họp để quyết định. Sau khi phương án phê duyệt, Vinalines sẽ có 90 ngày để thực hiện bán đầu giá cổ phần ra công chúng (IPO).

Chuyên đề