Không bán rẻ máy bay bị bỏ rơi?

(BĐT) - Theo nguồn tin của Báo Đấu thầu, Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) hiện đang thuê tổ chức thẩm định giá để xác định giá khởi điểm của máy bay B727 - 200 bị bỏ ở Sân bay Nội Bài. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Mặc dù được đánh giá sơ bộ là đã hư hỏng nặng, thậm chí chỉ có thể bán với giá “ve chai”, song một số chuyên gia trong lĩnh vực đấu giá cho rằng, chiếc máy bay này còn ẩn chứa nhiều giá trị về tài sản. 

Đang chuẩn bị thủ tục để đấu giá

Đầu tháng 5/2007, máy bay Boeing B727 - 200 thuộc Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (RKA), quốc tịch Campuchia với số hiệu đăng ký XU-RKJ, khai thác tuyến HAN-REP-HAN (Hà Nội - Siem Reap - Hà Nội) vì sự cố đã đỗ lại Sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội).

Sau đó, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài nhiều lần trao đổi với đại diện của hãng RKA về việc khắc phục sự cố và di dời máy bay. Tuy nhiên, RKA và các đối tác liên quan không thực hiện việc di chuyển máy bay cũng như không có liên hệ nào. Ủy ban Nhà nước về hàng không dân dụng của Campuchia sau đó đã có thông báo việc Giấy chứng nhận người khai thác máy bay (AOC) của RKA bị thu hồi và máy bay B727 - 200 này đã bị xóa đăng ký quốc tịch Campuchia. Do đó, Cục Hàng không Việt Nam có thể xử lý máy bay này theo các quy định của pháp luật Việt Nam.

Khi tính toán đến phương án bán đấu giá chiếc máy bay này, thời điểm năm 2014, ACV đã tính toán phí lưu đỗ sân bay của máy bay B727 - 200 trong suốt 7 năm đã lên đến khoản tiền 605.800 USD (tương ứng hơn 12 tỷ đồng).

Sau một vài năm giải quyết vấn đề thủ tục pháp lý, vào tháng 6/2016, Tổ đánh giá tình trạng kỹ thuật máy bay B727 - 200 bị bỏ tại Nội Bài đã kết luận máy bay bị xuống cấp trầm trọng, hỏng hóc nặng; máy bay không có lý lịch quản lý, không có hồ sơ bảo dưỡng.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chấp thuận phương án đấu giá đối với chiếc máy bay này. Sau khi được Bộ Tài chính xác lập quyền sở hữu nhà nước đối với máy bay B727 - 200, Cục Hàng không Việt Nam được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc bán tài sản theo đúng quy định pháp luật. “Việc quản lý số tiền thu được từ việc bán đấu giá tài sản sau khi trừ chi phí liên quan (nếu có) sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước. Trường hợp số tiền thu được từ bán đấu giá không đủ để thanh toán các khoản chi phí, đề nghị hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo quy định”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo rõ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một cán bộ của Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Cục chỉ đứng ra giám sát việc bán đấu giá, còn việc thực hiện đấu giá sẽ được ủy quyền cho Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài (đơn vị chủ quản là ACV, chủ nợ của RKA) thực hiện. Hiện, các đơn vị liên quan đang gấp rút hoàn tất các thủ tục để có thể đưa máy bay B727 - 200 ra đấu giá. Cụ thể, ACV đang thuê tổ chức thẩm định giá để xác định giá khởi điểm của máy bay. 

Máy bay “ve chai” có khả năng sinh lời

Với sức nóng trong truyền thông từ việc đấu giá máy bay bị bỏ rơi tại Sân bay Nội Bài, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trúng đấu giá có thể coi đây là một cơ hội quảng bá, giới thiệu hình ảnh hiệu quả
Qua tìm hiểu của Báo Đấu thầu, một số chuyên gia cho rằng, việc mua chiếc máy bay bị bỏ rơi có thể là một khoản đầu tư hấp dẫn, thú vị, có khả năng sinh lời.

Theo một đấu giá viên giàu kinh nghiệm, muốn thu lợi nhuận hiệu quả từ việc đấu giá máy bay B727 - 200, Nhà nước cần xây dựng được cơ chế rất “mở”. Có thể lựa chọn phương pháp trả giá trực tiếp bằng lời nói hoặc đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu trong từng hoàn cảnh cụ thể để áp dụng cho phù hợp.

Bày tỏ quan điểm riêng về giá trị của máy bay B727 - 200, vị đấu giá viên này cho rằng, “máy bay B727 - 200 không thể bán với giá “ve chai” được vì nếu biết khai thác, máy bay sẽ mang lại khả năng sinh lời khá hiệu quả”.

Vị đấu giá viên này phân tích, đối với máy bay B727 - 200, sự nguyên bản của buồng lái, khoang hành khách VIP là những yếu tố rất thu hút sự tò mò của công chúng. Cá nhân, tổ chức (các công ty du lịch, lữ hành), doanh nghiệp có thể mua máy bay về, giữ nguyên bản buồng lái và khoang hành khách VIP để trưng bày, phục vụ kinh doanh thăm quan. Đối với khoang hành khách phổ thông, thì có thể tận dụng làm quán café, nhà hàng…

Thậm chí, với sức nóng trong truyền thông từ việc đấu giá máy bay bị bỏ rơi tại Sân bay Nội Bài, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trúng đấu giá có thể coi đây là một cơ hội quảng bá, giới thiệu hình ảnh hiệu quả.

Nhận định này không phải là không có cơ sở khi gần đây 1 trong 2 người tham gia đấu giá chiếc sim điện thoại VIP trị giá nhiều tỷ đồng bất thành của một người đẹp làng giải trí đã từng chia sẻ trên trang cá nhân rằng, bản thân họ tham gia phiên đấu giá này để “mua sim làm thương hiệu”.

Thiếu tướng Võ Trọng Thanh, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, người từng đề xuất đấu giá biển số xe đẹp thì cho rằng, lợi ích mà người đấu giá đạt được là được thỏa mãn tâm lý, sở thích biển số, vừa có cơ hội làm từ thiện và đây cũng là cơ hội quảng bá tên tuổi, thương hiệu của doanh nghiệp, cá nhân.

Do đó, với sức hút truyền thông từ việc đấu giá máy bay bị bỏ rơi tại Sân bay Nội Bài, nhiều ý kiến chuyên gia dự báo, máy bay B727 - 200 không thể bán với giá “ve chai”..

Chuyên đề