Đấu giá tàu Vinalines Trader để cắt lỗ

(BĐT) - Do việc khai thác tàu không đủ bù đắp chi phí hoạt động nên Công ty Vận tải biển Vinalines vừa ký kết Hợp đồng bán đấu giá với một tổ chức bán đấu giá để bán tàu Vinalines Trader, IMO 9140554 đóng năm 1997 tại Nhật Bản với giá khởi điểm 97 tỷ đồng, tương đương 4.275.953,27 USD theo tỷ giá quy đổi 1 USD = 22.685 đồng.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Theo Thông báo bán đấu giá vừa được phát hành, mức giá trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng 10% và chưa bao gồm các chi phí thực tế mà khách hàng trúng đấu giá phải thanh toán cho đơn vị có tài sản đối với lượng nhiên liệu, dầu nhờn chưa sử dụng (trong phuy nguyên, trong két chứa theo biên bản giám định độc lập của đơn vị có chức năng giám định), thực phẩm còn lại trên tàu tại thời điểm bàn giao tàu.

Ngoài ra, mọi chi phí liên quan đến việc di chuyển, tháo dỡ, chuyển quyền sở hữu, thuế chuyển nhượng, thuế xuất, nhập khẩu, phí giám định, phí công chứng, phí, thuế khác nếu phát sinh do khách hàng trúng đấu giá chịu.

Vinalines Trader hiện đang neo đậu tại Khu neo đậu Hòn Gai, Quảng Ninh. Cuộc bán đấu giá tàu Vinalines Trader sẽ được tổ chức hồi 14h00 ngày 21/6/2017 tại Trụ sở Công ty CP Bán đấu giá tài sản Việt Nam.

Được biết, Vinalines Trader thuộc sở hữu của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, hiện đang được giao cho Công ty Vận tải biển Vinalines quản lý, khai thác.

Theo báo cáo của Vinalines, tàu Vinalines Trader được mua vào ngày 24/9/2010 với giá hơn 541,3 tỷ đồng, giá trị còn lại đến 30/6/2017 khoảng 105,8 tỷ đồng. Sau khi tính toán, Vinalines đưa ra con số dự kiến thu hồi được từ Vinalines Trader chỉ còn 97 tỷ đồng.

Tính toán của Vinalines cho biết, chỉ số BDI (chỉ số cho thuê tàu hàng khô) trung bình trong 5 - 7 năm qua của Vinalines Trader dao động quanh mức 1.000 - 1.500 điểm, chỉ bằng 1/4 đến 1/3 mức trung bình của năm 2010 (thời điểm lập dự án và triển khai mua tàu Vinalines Trader với giá cho thuê trung bình dự kiến cho cả đời dự án tàu Vinalines Trader khoảng 29.000 USD/ngày). Nhưng hiện nguồn cung tàu tăng trong khi nền kinh tế thế giới, đặc biệt là tại các nước như Mỹ, Trung Quốc và các nước châu Âu, tăng trưởng chậm lại làm cho nhu cầu vận tải nói chung và vận tải biển nói riêng suy giảm đã ảnh hưởng đến chỉ số vận tải biển BDI tiêu cực, rất thấp.

Trong trường hợp Vinalines Trader tiếp tục được khai thác đến năm 2019 thì chi phí duy tu, bảo dưỡng rất lớn, tàu sẽ không bảo đảm an toàn hàng hải và khai thác. Mặt khác, thị trường thuê tàu dự kiến chưa có tín hiệu phục hồi khiến kết quả kinh doanh của tàu tiếp tục thua lỗ (tính toán dự đoán hơn 97,5 tỷ đồng).

Dù không bảo đảm thu hồi vốn đầu tư, lãnh đạo Vinalines nhìn nhận việc bán/thanh lý tàu Vinalines Trader là cấp thiết nhằm cắt lỗ, tái cơ cấu đội tàu, giảm gánh nặng tài chính cho Tổng công ty, đặc biệt là khi Vinalines chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần (dự kiến ngày 30/9/2017 công bố giá trị doanh nghiệp).

Theo thông tin từ Vinalines, nếu việc đấu giá không thành công sau một lần tổ chức bán đấu giá, sẽ chuyển sang hình thức bán chào hàng cạnh tranh theo thông lệ quốc tế.

Chuyên đề