Đấu giá Nhà máy Bê tông Vinaconex Long An: Vinaconex Sài Gòn cắt lỗ

(BĐT) - Sau nhiều năm liền là gánh nặng của Công ty CP Vinaconex Sài Gòn, Nhà máy Bê tông Vinaconex Long An sắp được mang ra bán đấu giá. Theo Vinaconex Sài Gòn, đây là một vấn đề sống còn trong quá trình tái cơ cấu của doanh nghiệp này, cần phải thực hiện ngay giảm gánh nặng chi phí.
Công ty CP Vinaconex Sài Gòn bị mất cân đối về tài chính do đầu tư Nhà máy Bê tông Vinaconex Long An. Ảnh: Quang Tuấn
Công ty CP Vinaconex Sài Gòn bị mất cân đối về tài chính do đầu tư Nhà máy Bê tông Vinaconex Long An. Ảnh: Quang Tuấn

Định giá gần 100 tỷ đồng

Công ty CP Vinaconex Sài Gòn vừa chính thức công bố thông báo chào bán đấu giá công khai nguyên trạng Nhà máy Bê tông Vinaconex Long An gồm quyền sử dụng đất và công trình nhà xưởng và các công trình phụ đã xây dựng trên đất.

Nhà máy Bê tông Vinaconex Long An có địa chỉ tại xã Lương Bình, huyện Bến Lức, tỉnh Long An nằm trên thửa đất rộng 139.492 m2 có thời hạn sử dụng đất đến ngày 15/5/2056, mục đích sử dụng đất là đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp. Theo thông tin trên giấy phép đầu tư, đất được duyệt làm cơ sở sản xuất nhà máy bê tông và trạm nghiền xi măng. Trên diện tích đất này, đã có nhà xưởng sản xuất chính được xây dựng với quy mô công trình cấp 3 trên diện tích hơn 8.000 m2.

Công ty CP Vinaconex Sài Gòn đã đưa ra giá khởi điểm chào bán lô tài sản này là 99,5 tỷ đồng. Theo tờ trình của Công ty CP Vinaconex Sài Gòn gửi ĐHĐCĐ ngày 5/4/2017, tổng chi phí đầu tư Nhà máy là 112,1 tỷ đồng, trong đó, giá trị xây lắp là 88,6 tỷ đồng; giá trị thiết bị là 15 tỷ đồng; giá trị đền bù giải phóng mặt bằng là 12 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2016, giá trị đã khấu hao là 12,6 tỷ đồng; giá trị tài sản và chi phí giải phóng mặt bằng sau khấu hao là 99,47 tỷ đồng. 

Còng lưng với nợ từ đầu tư thua lỗ

Khi chính thức bắt tay vào đầu tư Nhà máy Bê tông Vinaconex Long An, Công ty CP Vinaconex Sài Gòn kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất; phối hợp với các nhà máy của các đơn vị thành viên như Vinaconex Xuân Mai, Vinaconex 45, Vinaconex Cửu Long chủ động ứng dụng công nghệ mới trên thị trường xây dựng công trình giao thông, công nghiệp và xây dựng nhà cao tầng tại khu vực phía Nam.

Song, kể từ ngày kết thúc đầu tư giai đoạn 1, Nhà máy Bê tông Vinaconex Long An chính thức đi vào hoạt động từ năm 2012 cho đến nay, giá trị sản lượng được Nhà máy tạo ra chỉ vỏn vẹn 36,205 tỷ đồng, bình quân sản lượng/năm là 9 tỷ đồng. Công ty CP Vinaconex Sài Gòn đánh giá, giá trị sản lượng này không thể bù đắp được các khoản chi phí cố định hàng năm là 9,32 tỷ đồng.

Các báo cáo thường niên của Công ty CP Vinaconex Sài Gòn từ năm 2013 - 2016 cho thấy, tình trạng sản xuất kinh doanh chung của Công ty gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ việc đầu tư xây dựng Nhà máy Bê tông Vinaconex Long An vượt quá khả năng hiện có, dẫn đến mất cân đối về tài chính. Áp lực này có cả khoản nợ trái phiếu đầu tư xây dựng Nhà máy tại Ngân hàng VIB.

Mặt khác, từ khi hoàn thành đầu tư Nhà máy Bê tông Vinaconex Long An đến nay, hoạt động không hiệu quả và công tác quyết toán rất chậm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Rất nhiều lần, Vinaconex Sài Gòn đã lên kế hoạch tái cơ cấu Nhà máy Bê tông Vinaconex Long An. Tuy nhiên, đến năm 2017, khi việc tái cơ cấu đã trở thành vấn đề cấp bách, sống còn thì việc chào bán đấu giá Nhà máy mới được gấp rút thực hiện.

Theo Công ty CP Vinaconex Sài Gòn, việc tái cơ cấu Nhà máy cần phải thực hiện ngay để cắt lỗ và giảm gánh nặng chi phí, cũng như tạo dòng tiền để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Được biết, Hồ sơ chào bán công khai Nhà máy Bê tông Vinaconex Long An đang được phát hành với hạn cuối nhận hồ sơ vào ngày 29/9/2017. Hồ sơ của các nhà đầu tư quan tâm sẽ được Công ty CP Vinaconex Sài Gòn đánh giá theo 2 phần (hồ sơ đề xuất năng lực và hồ sơ đề xuất tài chính). Công ty CP Vinaconex Sài Gòn đặt mục tiêu chuyển nhượng Nhà máy với giá chuyển nhượng không thấp hơn giá sàn và theo hướng có lợi nhất.

Chuyên đề