Đấu giá đường trong hạn ngạch để tránh xin-cho

(BĐT) - Việc đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo Thông tư 07/2016/TT-BCT của Bộ Công Thương vừa được ban hành, được cho là sẽ mang lại công bằng cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nguyên liệu đường, tránh chuyện xin - cho.
Lượng đường đấu giá (Mã HS 1701) nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2016 là 85.000 tấn đường. Ảnh: Hoài Nam
Lượng đường đấu giá (Mã HS 1701) nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2016 là 85.000 tấn đường. Ảnh: Hoài Nam

Tạo công bằng

Thông tư 07/2016/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về nguyên tắc đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016 vừa mới ban hành, có hiệu lực từ ngày 29/6/2016 đến ngày 31/12/2016. Theo Thông tư, lượng đường đấu giá (Mã HS 1701) nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2016 là 85.000 tấn đường.

Theo đó, việc đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016 được thực hiện thông qua Hội đồng đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016 do Bộ Công Thương thành lập. Nguyên tắc, trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản thực hiện theo quy định về pháp luật bán đấu giá phù hợp với tính chất tài sản bán đấu giá.

Đối tượng áp dụng quy định tại Thông tư là các thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và thương nhân sử dụng đường thô để sản xuất đường tinh luyện; các cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc nhập khẩu đường theo hạn ngạch thuế quan năm 2016.

Cũng theo Thông tư, sau khi có Báo cáo kết quả đấu giá của Hội đồng đấu giá, Bộ Công Thương sẽ có văn bản thông báo giao quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường cho thương nhân trúng đấu giá.

Hoan nghênh động thái này, ông Nguyễn Hải - Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) nhận định: Việc Bộ Công Thương quyết định đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường là thể hiện sự ghi nhận những kiến nghị trước đây của VSSA. Bởi vì, việc đấu giá sẽ tạo sự công bằng cho tất cả các công ty, thương nhân đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan đến mặt hàng đường. Qua đó cũng sẽ giúp giảm dần tình trạng “xin - cho” qua hình thức phân bổ hạn ngạch cho doanh nghiệp (DN) như những năm qua.

Trước băn khoăn là liệu việc áp dụng hình thức đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mía đường có dẫn đến tình trạng DN và người tiêu dùng phải sử dụng đường giá cao, ông Nguyễn Hải cho rằng, có nhiều nguyên nhân khác tác động đến giá đường cao hay thấp chứ không chỉ từ việc đấu giá.

Là DN bánh kẹo có nhu cầu sử dụng nguyên liệu đường trong hoạt động sản xuất rất lớn, Công ty bánh kẹo Phạm Nguyên đã tỏ rõ sự quan tâm đến cơ chế đấu giá quy định tại Thông tư 07/2016/TT-BCT. Tuy nhiên, nói như ông Lưu Huỳnh, Giám đốc marketing của Phạm Nguyên, phía DN cũng chỉ mới biết thông tư này qua kênh báo chí, chứ chưa biết việc đấu giá sẽ thực hiện khi nào, thủ tục đăng ký ra sao.

Nguồn cung có khan hiếm?

Nguyên tắc, trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản thực hiện theo quy định về pháp luật bán đấu giá phù hợp với tính chất tài sản bán đấu giá.
Trên thực tế, nhu cầu sử dụng nguyên liệu đường của Phạm Nguyên trong năm 2016 là hơn 3.800 tấn đường. Tuy nhiên, ông Lưu Huỳnh cho rằng, đường trong nước khan hiếm nên DN thường phải mua với giá cao hơn khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, làm ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm, nếu không tăng giá thì lợi nhuận DN sẽ bị sụt giảm. Trong khi đó, hạn ngạch nhập khẩu năm 2015 cấp cho Phạm Nguyên chỉ là 300 tấn đường, chưa đáp ứng đủ 1 tháng sản xuất.

Việc giá đường nội địa thường cao hơn đường nhập khẩu 15 - 25% khiến nhiều DN sử dụng đường quan ngại. Ngoài ra, lượng đường sản xuất trong nước giảm, không đủ cho nhu cầu tiêu dùng nội địa là vấn đề mà Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đang phải cân nhắc cho nhập thêm nhằm bù đắp thiếu hụt, với tổng lượng đường nhập khẩu tối thiểu dự kiến lên tới 285.000 tấn.

Ngoài hạn ngạch đường nhập khẩu theo cam kết WTO của Việt Nam là 85.000 tấn được thực hiện theo phương thức đấu giá, Bộ Công Thương sẽ bổ sung thêm 100.000 tấn đường vào hạn ngạch nhập khẩu theo Thông tư số 09/2016/TT-BCT (có hiệu lực từ ngày 1/7/2016). Riêng 100.000 tấn đường thiếu hụt còn lại sẽ nhập như thế nào vẫn còn là một câu hỏi.

Xoay quanh việc này, Tổng thư ký VSSA cho rằng, cần lưu ý để tránh ảnh hưởng đến sản xuất mía đường trong nước. Mặc dù sản lượng đường niên vụ 2015 - 2016 chỉ đạt 1,4 triệu tấn, giảm hơn 13% so với niên vụ 2013 - 2014, nhưng lượng đường tồn vẫn còn nhiều chưa thể thống kê được. Bên cạnh đó, nạn buôn lậu, gian lận thương mại, tạm nhập tái xuất mặt hàng đường vẫn phức tạp.                     

Chuyên đề