Đấu giá cây cao su tại Công ty Cao su Sông Bé: Không bị đe dọa, bán vượt 50%

(BĐT) - Sau khi phải hoãn vì bị một số đối tượng lạ mặt đe dọa, phiên đấu giá cây cao su tại Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé đã được tổ chức lại với cách thức “kín kẽ” hơn. Nhờ đó, lô cao su đã được bán với giá trị vượt tới gần 50% so với giá khởi điểm.
Lô cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé đã được đấu giá thành công với mức giá 67,2 tỷ đồng. Ảnh: Tùng Châu
Lô cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé đã được đấu giá thành công với mức giá 67,2 tỷ đồng. Ảnh: Tùng Châu

Hoãn vì bị đe dọa

Như Báo Đấu thầu đã đưa tin, theo thông báo, ngày 22/2, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (ĐGTS) tỉnh Bình Phước tổ chức phiên đấu giá 39.572 cây cao su thuộc Lô 6/85; 12/85; 14/85; Lô 15/85; Lô xếp/85 và Lô 6/86; 7/86 tại Nông trường Nha Bích - Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Tổng giá trị khởi điểm của lô tài sản này là hơn 45,3 tỷ đồng. Đấu giá theo nguyên tắc bỏ phiếu kín, người nào trả giá cao nhất sẽ trúng đấu giá.

Tuy nhiên, phiên đấu giá đã phải tạm hoãn do một số đối tượng xăm trổ, lạ mặt đã gây sức ép với 16 doanh nghiệp tham gia phiên đấu giá này. Các đối tượng này đe dọa, nếu doanh nghiệp bỏ giá cao và trúng đấu giá thì ra khỏi Trung tâm “sẽ không được yên”, đồng thời yêu cầu các DN tham gia đấu giá không được bỏ giá cao hơn giá khởi điểm 3 triệu đồng.

Bước vào phiên đấu giá, một số doanh nghiệp tham gia phiên đấu giá đã có kiến nghị với Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS tỉnh Bình Phước hoãn phiên đấu giá để điều tra, làm sáng tỏ vụ việc. Qua xác minh ban đầu, các đối tượng lạ mặt đe dọa người tham gia đấu giá không có tên trong danh sách đấu giá. 

Tổ chức kín kẽ hơn

Mặc dù Công an tỉnh Bình Phước vẫn đang điều tra làm rõ những đối tượng lạ mặt tới “phá rối” phiên đấu giá ngày 22/2 và chưa có kết luận cuối cùng nhưng Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS tỉnh Bình Phước đã tổ chức đấu giá lại lô cây cao su trên.

Theo ông Nhữ Đức Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS tỉnh Bình Phước, trong lần đấu giá lại này, Trung tâm đã sử dụng hình thức khác nhằm hạn chế sự tiếp xúc không mong muốn giữa các đối tượng tham gia đấu giá, khiến cho phiên đấu giá diễn ra suôn sẻ hơn. Ông Chiến cho biết, các doanh nghiệp đã đăng ký tham gia đấu giá trả giá trực tiếp vào phiếu trả giá do Trung tâm phát hành. Phiếu trả giá được bỏ vào phong bì niêm phong và bỏ vào thùng phiếu đã niêm phong tại Trung tâm hoặc tại Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé.

Có thể nhờ cách làm đó mà giá trúng đấu giá của lô cao su này khá cao so với giá khởi điểm, lên tới 67,2 tỷ đồng (vượt 21,9 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 48,3% so với giá khởi điểm). “Doanh nghiệp trả giá thấp nhất cho lô cao su này cũng ở mức giá khoảng 51 tỷ đồng”, ông Chiến thông tin với Báo Đấu thầu.

Khi được hỏi về nguyên nhân của việc “vội vã” tổ chức đấu giá lại khi chưa làm rõ về vụ việc xảy ra hôm 22/2, ông Chiến cho biết đã chuyển vụ việc cho Công an tỉnh Bình Phước làm rõ theo đúng chức năng, còn Trung tâm làm theo tiến độ hợp đồng đã ký kết với Cao su Sông Bé nên phải tổ chức đấu giá lại sớm.

Theo nguồn tin của Báo Đấu thầu, Công ty TNHH An Lộc, địa chỉ tại phường An Lộc, thị xã Bình Long, Bình Phước là doanh nghiệp đã trúng đấu giá lô cây cao su này.

Chuyên đề