Cổ vật: Nên đấu giá để đảm bảo pháp lý

(BĐT) - Tháng 8 tới đây, sẽ có một cuộc đấu giá cổ vật diễn ra tại Hà Nội. Điều này khiến nhiều nhà sưu tập hy vọng có thị trường bán đấu giá cổ vật công khai, minh bạch, dễ kiểm chứng.
“Bình đồng văn hóa Đông Sơn” niên đại khoảng 2000 năm, có giá khởi điểm đấu giá gần 1 tỷ đồng. Ảnh: Mai Quân
“Bình đồng văn hóa Đông Sơn” niên đại khoảng 2000 năm, có giá khởi điểm đấu giá gần 1 tỷ đồng. Ảnh: Mai Quân

Lần đầu tiên đấu giá

Công ty CP Đấu giá số 5 Quốc gia vừa thông báo về đợt đấu giá cổ vật sẽ diễn ra vào ngày 19/8 tới đây tại Khách sạn Hà Nội. Cuộc đấu giá này đã được sự chấp thuận của UBND TP. Hà Nội và đây cũng là cuộc đấu giá cổ vật lần đầu tiên diễn ra tại Hà Nội.

Theo Ban tổ chức, cuộc đấu giá có một cổ vật 2.000 năm. Đó là “Bình đồng văn hóa Đông Sơn” niên đại khoảng 2000 năm, có giá khởi điểm gần 1 tỷ đồng, mỗi bước giá là 50 triệu đồng. Bình đồng là loại đồ đựng có thể khối và dung tích lớn, chân xòe rộng, cao, trổ thủng, trang trí hoa văn đàn hươu, đàn bò nối đuôi nhau. Theo đánh giá của giới chuyên gia, đây là cổ vật quý hiếm và rất nguyên vẹn, vào loại lớn nhất trong số các đồ đồng thuộc văn hóa Đông Sơn, chưa thấy xuất hiện trong các bảo tàng và sưu tập tư nhân.

Một cổ vật khác là “Thạp gốm hoa nâu” đời nhà Trần (thế kỷ XIII - XIV) có giá khởi điểm hơn 740 triệu đồng, bước giá 30 triệu đồng. Đây là tác phẩm đặc sắc của thời nhà Trần, họa tiết hoa văn trang trí như một bức tranh toàn cảnh xã hội thời Trần sau 3 lần chống quân Nguyên Mông dành thắng lợi với những võ sĩ tay cầm kiếm, tay cầm khiên hừng hực khí thế xung trận.

Cuộc đấu giá còn có một món đồ cung đình là “Hộp lam pháp Hoàng cung” của thời nhà Nguyễn (giữa thế kỷ XIX) có giá khởi điểm hơn 532 triệu đồng, bước giá 20 triệu đồng.

Ngoài ra, Công ty CP Đấu giá số 5 Quốc gia cũng bán đấu giá Bộ trang sức với 2 viên đá quý Ruby (start ruby) có giá khởi điểm hơn 1,74 tỷ đồng, bước giá 100 triệu đồng. Đây là loại đá quý hiếm nhất và hiện chỉ còn có ở vài nơi trên thế giới, trong đó có mỏ đá quý Tân Hương, tỉnh Yên Bái.

Đáng chú ý, cuộc bán đấu giá còn bán 5 pho tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn dát vàng của làng nghề làm quỳ vàng Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm, Hà Nội) với giá khởi điểm 100 triệu đồng, bước giá 10 triệu đồng. Đây là lần đầu tiên sản phẩm của các nghệ nhân xã Kiêu Kỵ được tham gia đấu giá, với mục đích quảng bá cho thương hiệu làng nghề Kiêu Kỵ. 

Mua đấu giá để an toàn pháp lý

Trước thông tin đấu giá cổ vật, nhiều cá nhân đam mê sưu tập cổ vật rất vui mừng và chờ mong cuộc đấu giá này mở đường để có nhiều cuộc đấu giá cổ vật khác được diễn ra.
Theo luật sư Quản Văn Minh, Chủ tịch Hội đấu giá viên Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đấu giá số 5 Quốc gia, các tác phẩm đưa ra đấu giá lần này đều là những kiệt tác nghệ thuật có giá trị lịch sử, văn hóa lớn thuộc dạng quý hiếm được lưu giữ và bảo quản trong tình trạng tốt nhất.

Luật sư Quản Văn Minh cho biết thêm, cổ vật là một loại tài sản khi đưa ra đấu giá phải tuân theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, Luật Di sản, các quy định của luật chuyên ngành, phải có hồ sơ pháp lý, được đăng ký đầy đủ. Chẳng hạn với hai viên đá quý, trước khi tổ chức đấu giá, phải thẩm định hồ sơ về thu mua, kê khai, nộp thuế, hợp đồng gia công… “Vì vậy, mua cổ vật qua đấu giá sẽ đảm bảo cả về tính pháp lý lẫn kinh tế, giá trị tài sản được khẳng định bằng xác nhận trúng đấu giá”, ông Minh nhấn mạnh. 

Cũng theo ông Minh, trong 3 cổ vật được bán đấu giá, chiếc Bình đồng văn hóa Đông Sơn thuộc danh mục cổ vật không được đem ra nước ngoài.

Trước thông tin đấu giá cổ vật, nhiều cá nhân đam mê sưu tập cổ vật rất vui mừng và chờ mong cuộc đấu giá này mở đường để có nhiều cuộc đấu giá cổ vật khác được diễn ra. Ông Bùi Quang Thu (Hà Nội) vừa là một nhà sưu tập cổ vật, vừa là luật sư thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, có rất nhiều cá nhân sưu tập cổ vật bởi niềm đam mê các tác phẩm vừa có giá trị nghệ thuật, vừa lưu giữ giá trị lịch sử. Luật pháp Việt Nam đã có những quy định cụ thể, chi tiết về giao dịch mua bán di vật, cổ vật. Nhưng thực tế, vẫn chưa có thị trường đấu giá cổ vật đúng nghĩa. Việc mua bán của những nhà sưu tập chủ yếu mang tính trao tay, tự phát và có nhiều rủi ro.

Do thiếu thị trường chính thức và các công cụ đi kèm, nhà sưu tập luôn có nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái. Hầu hết cổ vật đều không chứng minh được nguồn gốc và mua bán chủ yếu dựa vào... niềm tin. Chưa kể đến nguy cơ các cổ vật quý hiếm của quốc gia bị thất thoát qua buôn lậu.

Chính vì vậy, Luật sư Thu cho rằng, nên mở rộng các cuộc đấu giá và tạo ra thị trường minh bạch, dễ dàng kiểm chứng và đảm bảo pháp lý cho các nhà sưu tập.

Chuyên đề