Xử lý nghiêm DNNN không công bố thông tin

(BĐT) - Mặc dù pháp luật đã có quy định về việc công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhưng thực tế vẫn còn hàng trăm DNNN không thực hiện nghiêm túc quy định này. Báo Đấu thầu đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đặng Huy Đông về các giải pháp xử lý thực trạng này.
Xử lý nghiêm DNNN không công bố thông tin

Thưa Thứ trưởng, việc DNNN phải công bố thông tin hoạt động có tầm quan trọng như thế nào?

Theo quy định, các doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu, các công ty con do DNNN sở hữu 100% vốn điều lệ phải công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, đồng thời gửi các báo cáo công bố thông tin về cơ quan đại diện chủ sở hữu, Bộ KH&ĐT để thực hiện công bố thông tin.

Việc công bố công khai thông tin hoạt động của DNNN góp phần tạo ra sự minh bạch và công bằng trong xã hội, được dư luận đánh giá cao. Đây cũng là công cụ hữu hiệu để Nhà nước giám sát việc sử dụng các nguồn lực của Nhà nước tại các doanh nghiệp này, tránh các gian lận, sử dụng không hiệu quả, thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Giám sát tốt hoạt động của các doanh nghiệp này sẽ góp phần tăng hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp; góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy tăng trưởng bền vững nền kinh tế.

Bên cạnh đó, việc công bố thông tin giúp các cơ quan nhà nước thuận lợi hơn trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, hạn chế tình trạng sử dụng vốn lãng phí, thất thoát, tham ô, tham nhũng...

Xử lý nghiêm DNNN không công bố thông tin ảnh 1
Thứ trưởng Đặng Huy Đông
Đến thời điểm ngày 15/3/2017, tình hình công bố thông tin của DNNN ra sao, thưa Thứ trưởng?

Tính từ 1/1/2017 đến 15/3/2017, có 27 lượt doanh nghiệp gửi báo cáo công bố thông tin, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp đã công bố thông tin từ trong năm 2016. Tuy nhiên, chỉ có 3 doanh nghiệp gửi đủ 8 loại báo cáo theo quy định. Các doanh nghiệp còn lại chỉ gửi từ 1 đến 3 loại báo cáo. 

Vậy nguyên nhân nào khiến nhiều DNNN vẫn cố tình không công bố thông tin?

Điều này cho thấy nhận thức của DNNN, những đối tượng phải thực hiện công bố thông tin hoạt động, còn rất kém. Nguyên nhân của vấn đề này là có thể do người quản lý ở cơ quan chủ quản bận, song dù bận như thế nào cũng phải thực hiện theo quy định của pháp luật, còn nếu không bận mà không làm lại là một câu chuyện khác.

Cho đến nay, tất cả các trường hợp DNNN chưa thực hiện công bố thông tin chưa được phân định rõ ràng là xuất phát từ nguyên nhân nào. Song cho dù nguyên nhân nào đi chăng nữa thì việc không thực hiện nghiêm quy định đã có cũng là không đúng, cũng đều là vi phạm pháp luật. 

Phải chăng những DNNN cố tình không công bố thông tin là do kinh doanh kém hiệu quả?

Việc báo cáo là phải báo cáo chứ không có lý do gì mà không làm. Trong trường hợp DNNN làm ăn thua lỗ mà không chịu báo cáo, giấu giếm thì tội càng lớn. 

Hiện Bộ KH&ĐT đang xây dựng phương án xử lý đối với các vi phạm về công bố thông tin, đồng thời tổng hợp, công khai danh sách các doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định về công bố thông tin. Tiến độ của công việc này đến nay ra sao, thưa Thứ trưởng?

Bộ KH&ĐT đã dự thảo văn bản đề nghị các bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh xử phạt hành chính bằng phạt tiền đối với doanh nghiệp chưa công bố thông tin theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư và yêu cầu khắc phục bằng cách công bố thông tin đầy đủ các nội dung còn thiếu. Đồng thời, phải công khai nội dung xử lý trách nhiệm trên trang thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương và thông báo cho Bộ KHĐT để tổng hợp.

Trường hợp những DNNN không thực hiện công bố thông tin theo quy định, Bộ KH&ĐT kiến nghị xử lý nghiêm trách nhiệm của các đối tượng vi phạm quy định.        

Chuyên đề