Xử lý hơn 450 phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp

(BĐT) -Trong 6 tháng đầu năm 2017, Văn phòng Chính phủ đã tiếp nhận 567 phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp (DN) và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền  xem xét, xử lý 455 phản ánh, kiến nghị. Đây là thông tin được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2017 đang diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
VPCP đã tiếp nhận 567 phản ánh, kiến nghị của DN và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền  xem xét, xử lý 455 phản ánh, kiến nghị. Ảnh: Tường Lâm
VPCP đã tiếp nhận 567 phản ánh, kiến nghị của DN và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý 455 phản ánh, kiến nghị. Ảnh: Tường Lâm

Khẳng định quan điểm Chính phủ tiếp tục coi DN là động lực phát triển kinh tế, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, Chính phủ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự phát triển của DN.

Cụ thể, ngay sau kết thúc Hội nghị Trung ương 5, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Thủ tướng với DN năm 2017 với chủ đề “Đồng hành cùng DN” với quy mô lớn, có trên 10.000 DN tham gia, phần lớn là các DN vừa và nhỏ, các DN tư nhân. “Điều này thể hiện tinh thần khẩn trương, chủ động, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc triển khai tinh thần Hội nghị trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân”, Bộ trưởng Dũng cho biết. Tại Hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN phát triển, trong đó có Chỉ thị về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN, trong đó yêu cầu không được thanh, kiểm tra DN quá 01 lần trong năm; Chỉ thị về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP năm 2016 theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng DN .

Chính phủ đẩy mạnh triển khai hiệu quả hoạt động tiếp nhận, trả lời kiến nghị của DN và người dân trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Ban hành Quy chế của Thủ tướng Chính phủ về  tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân và DN.

Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quyết liệt triển khai kế hoạch cổ phần hóa và tái cơ cấu DN nhà nước. Trong 6 tháng đầu năm 2017, đã cổ phần hóa 20 DN và 02 đơn vị sự nghiệp; thực hiện bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại 22 DN với tổng trị giá theo sổ sách là 666,8 tỷ đồng (bằng 76,5% so với cùng kỳ năm 2016); thu về 11589,3 tỷ đồng (bằng 314,11% so với cùng kỳ năm 2016). Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả công ty nông, lâm nghiệp của 40 địa phương, 01 bộ, 01 tập đoàn kinh tế và 04 tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.

Trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo cần tập trung xử lý những tồn tại, yếu kém của 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành công thương. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo để xử lý những tồn tại, yếu kém của 12 dự án yếu kém, thua lỗ do một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo đã trực tiếp làm việc, có giải pháp, phương án xử lý cụ thể, trong đó giao 189 nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng dự án. Hiện các bộ, cơ quan đã hoàn thành 122 nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo giao, các dự án đều có phương án và lộ trình để giảm nguy cơ mất vốn, gây thiệt hại cho nhà nước, xử lý theo nguyên tắc và cơ chế thị trường, kiên quyết không dùng ngân sách nhà nước để bù lỗ, bước đầu tình hình sản xuất kinh doanh của một số dự án có chuyển biến tích cực.

Chuyên đề