VTVCab chỉ 'tuyển' nhà đầu tư chiến lược có vốn nghìn tỷ

VTVCab yêu cầu doanh nghiệp, tổ chức tham gia làm nhà đầu tư chiến lược có vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng và lãi liên tiếp 3 năm.
VTVCab đề ra hàng loạt tiêu chí để chọn nhà đầu tư chiến lược khi cổ phần hoá.
VTVCab đề ra hàng loạt tiêu chí để chọn nhà đầu tư chiến lược khi cổ phần hoá.

Công ty TNHH MTV Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam (VTVCab) mới đây đã công bố tiêu chí và trình tự lựa chọn nhà đầu tư chiến lược khi thực hiện phương án cổ phần hoá được phê duyệt bởi Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam.

Theo đó, công ty chỉ lựa chọn nhà đầu tư có vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng, năng lực tài chính tốt thể hiện qua việc 3 năm liên tiếp kinh doanh có lãi, không lỗ luỹ kế và tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2016 tối thiểu 10%.

Nhà đầu tư chiến lược phải đăng ký mua tối thiểu 10% vốn điều lệ của VTVCab và không được chuyển nhượng trong thời hạn tối thiểu 10 năm, kể từ thời điểm công ty chuyển sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp cổ phần. Đồng thời, có cam kết bằng văn bản trong việc gắn bó lợi ích lâu dài và hỗ trợ doanh nghiệp sau cổ phần hóa về chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị doanh nghiệp, cung ứng nguyên vật liệu…

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng không được là cổ đông lớn hoặc cổ đông chiến lược của đối thủ cạnh tranh trực tiếp với công ty tại Việt Nam. VTVCab yêu cầu nhà đầu tư chiến lược hoạt động trong lĩnh vực tài chính như ngân hàng, quỹ tín dụng, công ty chứng khoán… phải có thời gian hoạt động tối thiểu 5 năm. Riêng nhà đầu tư trong lĩnh vực truyền hình trả tiền hoặc viễn thông thì cộng thêm điều kiện kinh nghiệm tối thiểu 3 năm.

Trước đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Đài Truyền hình Việt Nam khẩn trương triển khai phương án cổ phần hóa VTVCab. Trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu, Nhà nước sẽ nắm giữ 51% vốn điều lệ và chưa tiết lộ tỷ lệ chào bán cho cổ đông chiến lược.

Hồi tháng 5, Kiểm toán Nhà nước đã công bố kết quả định giá VTVCab khi cổ phần hoá. Tổng giá trị của công ty là hơn 4.278 tỷ đồng, tăng 279 tỷ so với con số do đơn vị kiểm toán độc lập công bố trước đó. Tổng giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại đây sau kiểm toán đạt 2.684 tỷ đồng. Giá trị thực tế doanh nghiệp cũng chênh lệch hơn 279 tỷ.

Kiểm toán Nhà nước cho rằng việc kiểm kê, phân loại tài sản và xác định một số tài sản cố định vô hình vào tài sản cố định hữu hình chưa đúng là nguyên nhân khiến định giá của Công ty TNHH Kiểm toán CPA Việt Nam phải điều chỉnh phần giá trị quyền sử dụng đất từ tài sản cố định hữu hình sang tài sản cố định vô hình khi định giá tài sản.

VTV Cab thành lập vào năm 2012, tiền thân là Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật cáp trực thuộc Đài Truyền hình Việt Nam. Doanh nghiệp này hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, quảng cáo truyền hình, môi giới bản quyền, viễn thông có dây…

Năm ngoái, doanh thu từ dịch vụ truyền hình trả tiền và viễn thông có dây của công ty đạt 2.133 tỷ đồng, tăng gần 18% so với năm trước. Sau khi giảm trừ doanh thu từ các hợp đồng hợp tác kinh doanh, công ty ghi nhận 2.045 tỷ doanh thu thuần và 68,5 tỷ đồng lãi sau thuế.

Chuyên đề