Vinatex: Mua sắm tập trung tăng minh bạch, tiết kiệm chi phí

(BĐT) - Việc thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) áp dụng quy trình mua sắm tập trung sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và đặc biệt là tăng tính minh bạch trong hoạt động mua sắm. Ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã nhấn mạnh quan điểm này khi trả lời Báo Đấu thầu tại cuộc họp báo thông báo kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 diễn ra sáng ngày 30/7, tại Hà Nội.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Theo ông Hiếu, mặc dù Dự thảo Quyết định về việc công bố Quy trình mua sắm tập trung nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư để bảo đảm tính liên tục cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của DNNN mới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến nhằm hoàn thiện để ban hành, song thực tế, Vinatex đã triển khai rất sớm hoạt động này. Ông Hiếu cho biết, ngay từ năm 2013, Tập đoàn đã áp dụng hình thức mua bán hàng hóa thông qua đấu thầu mua sắm tập trung giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian cho doanh nghiệp (DN). Quan trọng hơn, thông qua hình thức mua sắm này, DN mua được hàng hóa với giá cả hợp lý. Bằng việc mua sắm tập trung theo lô lớn, người bán thay vì bán cho từng nhà máy riêng lẻ thì nay bán cho 3-4 nhà máy cùng lúc, đương nhiên giá cả sẽ hợp lý hơn và mức độ cạnh tranh, tính minh bạch cũng cao hơn. Từ ưu điểm của hình thức mua sắm này, đại diện Vinatex khẳng định: “Mua sắm tập trung là giải pháp mua sắm rất hiệu quả cho DN”.

Về tình hình đầu tư của Vinatex, ông Hiếu cho biết, năm 2018, Tập đoàn không có dự án đầu tư nào mới mà chủ yếu là các dự án chuyển tiếp. Cụ thể, tính đến hết 6 tháng đầu năm 2018, Tập đoàn thực hiện 25 dự án đầu tư, trong đó có 4 dự án hoàn thành, 15 dự án chuyển tiếp và 6 dự án khởi công mới. Kế hoạch vốn thực hiện đầu tư 6 tháng là 1.059,7 tỷ đồng, giải ngân được gần 231 tỷ đồng, đạt 21,8%. Ngoài ra, các đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn cũng đã triển khai 25 dự án, trong đó có 1 dự án đầu tư nhà máy sợi; 2 dự án đầu tư nhà máy dệt nhuộm; 1 dự án đầu tư nhà máy may…

Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, từ đầu năm đến nay, Vinatex đã thông báo mời thầu trên 10 gói thầu. Đa số các gói thầu đều thuộc Dự án Sửa chữa, cải tạo Trung tâm Thời trang Vinatex tại 25 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội như: Gói thầu số 1 Sửa chữa, cải tạo mặt tiền và trang trí chữ mặt tiền tòa nhà; Gói thầu số 2 Cung cấp, lắp đặt thiết bị trang trí nội thất; Gói thầu số 3 Cung cấp, lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy…

Về kế hoạch sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm, Vinatex nhận định, năm nay là một năm khó khăn đối với ngành dệt may trong nước, nhất là trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn là Mỹ và Trung Quốc đang có dấu hiệu leo thang. Ít nhiều căng thẳng thương mại sẽ tác động đến hoạt động dệt may của Việt Nam, tuy nhiên, trước mắt, tác động của cuộc chiến này là không lớn. Vinatex đang xây dựng những kịch bản ứng phó để ít bị tổn thương nhất. Đối với công tác đầu tư, Tập đoàn dự kiến thực hiện giải ngân 9 tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 550 tỷ đồng, xấp xỉ 50% kế hoạch.

Tính đến hết tháng 6/2018, giá trị sản xuất công nghiệp của Vinatex đạt 20.515 tỷ đồng, bằng 45,9% kế hoạch năm 2018, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng doanh thu đạt 22.365 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT), đạt 46,3% kế hoạch năm, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu tính đủ đạt trên 1.306 triệu USD, bằng 43,8% kế hoạch năm 2018, tăng 8,8% so với cùng kỳ. Tính chung lợi nhuận trước thuế đạt 674 tỷ đồng, đạt 51,2% kế hoạch năm, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Chuyên đề