Vinatex làm gì để tăng thêm kim ngạch xuất khẩu 10%

Vinatex được Chính phủ giao tăng thêm kim ngạch xuất khẩu 10% so với mục tiêu ban đầu là 10,4% đã giao dịp đầu năm 2017.
Công nhân ngành may sản xuất hàng xuất khẩu. Ảnh: BNEWS
Công nhân ngành may sản xuất hàng xuất khẩu. Ảnh: BNEWS

Trong buổi làm việc của Tổ công tác của Chính phủ với Tập đoàn Dệt May Việt Nam vào trung tuần tháng 6 vừa qua, Chính phủ giao cho Vinatex tăng thêm kim ngạch xuất khẩu 10% so với mục tiêu ban đầu là 10,4% đã giao dịp đầu năm 2017. Ông Trần Quang Nghị - Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, đây là một nhiệm vụ không dễ gì thực hiện nếu không có những giải pháp sáng tạo, linh hoạt, căn cơ và phù hợp.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay đối với các doanh nghiệp dệt may trong Tập đoàn, ngoài việc thị trường thế giới bất ổn, các hiệp định thương mại quan trọng chưa được thực thi hoặc rút mất, thì còn là chính sách tiền lương đang tạo nên rào cản lớn nhất từ trước đến nay, cùng với sự biến động khốc liệt của lực lượng lao động. Ngoài ra, tỷ giá nội tệ bị kiềm chế cũng khiến sức cạnh tranh của doanh nghiệp dệt may bị sụt giảm.

Mặc dù vậy, trước nhiệm vụ của Chính phủ mới giao, cho dù khó khăn nhưng các doanh nghiệp trực thuộc cũng như Ban lãnh đạo Tập đoàn vẫn quyết tâm thực hiện.

Theo đó, các doanh nghiệp trực thuộc Vinatex đưa ra các giải pháp chính gồm: tăng cường xuất khẩu sợi ở mức tối đa, hơn 90% sản lượng dành cho xuất khẩu. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sợi, không phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường là Trung Quốc. Tăng giá trị sợi bằng cách chuyển dịch sản xuất sản phẩm sợi có phẩm cấp cao hơn.

Bên cạnh đó, thay đổi cách làm liên kết, chia nhỏ nhóm liên kết để có thể thực sự sử dụng sản phẩm của nhau hiệu quả, gián tiếp tăng kim ngạch xuất khẩu qua khâu may khi sử dụng vải nội địa. Tiếp đó, giải quyết vấn đề biến động lao động bằng hai giải pháp. Đó là dùng công nghệ tự động hóa, tránh phụ thuộc quá lớn vào người lao động, bên cạnh đó còn đẩy năng suất lên cao.

Vinatex cũng kiến nghị với Chính phủ về vấn đề chính sách tiền lương, tránh việc để người lao động lợi dụng kẽ hở trong chính sách này mà nghỉ việc, nhảy việc, tránh cho doanh nghiệp phải chịu gánh nặng quá lớn trong việc nộp bảo hiểm…

Năm 2016, Tập đoàn Dệt May Việt Nam trải qua một năm đặc biệt, hoạt động theo mô hình cổ phần hóa, có sự tham gia của cổ đông và nhà đầu tư với nhiều áp lực mới. Vinatex buộc phải hoạt động chuyên nghiệp hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn.

Tuy nhiên, Hội đồng quản trị chưa hài lòng với kết quả sản xuất kinh doanh năm 2016, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như thị trường suy giảm toàn cầu, khả năng khơi thông các nguồn lực tài chính, nhân lực đều giảm.

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh quyết liệt của các quốc gia dệt may khác với sự hỗ trợ của chính sách giảm thuế và tỷ giá cũng là những thách thức không nhỏ cho Vinatex, khiến cho sức khỏe của các doanh nghiệp dệt may nói chung chưa được tốt.

Chuyên đề