Vinapaco “lận đận” với dự án nghìn tỷ

(BĐT) - Mặc dù tình hình sản xuất kinh doanh năm 2017 của Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) có khởi sắc, lợi nhuận đạt 121 tỷ đồng, tuy nhiên, lộ trình cổ phần hóa của Tổng công ty này sau nhiều năm vẫn tắc chưa thực hiện được.
Sau khoảng 3 lần gia hạn bán đấu giá và giảm giá, đến nay, Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam vẫn chưa có người mua. Ảnh: Tiên Giang
Sau khoảng 3 lần gia hạn bán đấu giá và giảm giá, đến nay, Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam vẫn chưa có người mua. Ảnh: Tiên Giang

Đầu tư ít ỏi

Báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu năm 2017 vừa được Tổng công ty Giấy gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, năm qua, Vinapaco đã tổ chức lựa chọn nhà thầu cho 38 gói thầu thuộc các dự án đã được phê duyệt với tổng giá gói thầu là 73,742 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là 67 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm là 9,1%.

Các gói thầu Vinapaco thực hiện trong năm 2017 chủ yếu là mua sắm có giá trị nhỏ, phục vụ công tác nâng cấp và cải tạo hệ thống thiết bị hiện có. Hình thức lựa chọn nhà thầu chủ yếu là chào hàng cạnh tranh với 30/38 gói thầu. Đánh giá về năng lực nhà thầu trúng thầu, Vinapaco nhận xét, hầu hết các nhà thầu trúng thầu có năng lực và kinh nghiệm nên triển khai các gói thầu đúng cam kết trong hợp đồng, đảm bảo chất lượng và tiến độ.

Theo Báo cáo, năm 2017, công tác đấu thầu của Tổng công ty không có bất kỳ hạn chế hay tồn tại nào nên không vi phạm các quy định về đấu thầu. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, dù Vinapaco thực hiện 38 gói thầu trong năm qua, nhưng đến thời điểm này mới có gần 10 gói thầu công bố kết quả lựa chọn nhà thầu như: Gói thầu “Xây dựng các tuyến đường lâm nghiệp thuộc Công ty Lâm nghiệp Tam Sơn” trị giá 6,7 tỷ đồng; Gói thầu “Tư vấn định giá toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho” của Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam trị giá 646 triệu đồng; Gói thầu “Mua vòng bi cho hệ thống lô sấy máy xeo 2 - phân xưởng giấy - Nhà máy giấy” trị giá 830 triệu đồng…

Lý giải về số lượng ít ỏi gói thầu công bố kết quả lựa chọn nhà thầu, một đại diện Phòng Xây dựng cơ bản thuộc Vinapaco thừa nhận: “Đúng là trong thời gian đầu, doanh nghiệp (DN) chưa biết được quy định phải công bố kết quả lựa chọn nhà thầu nên đã công bố thiếu đầy đủ. DN đang khắc phục hạn chế này”.

Thông tin thêm về hoạt động đầu tư của DN, Vinapaco cho hay, thực tế số lượng gói thầu/dự án đầu tư của Tổng công ty giảm mạnh trong những năm gần đây. Năm 2017, DN không thực hiện đầu tư dự án nào có giá trị lớn. Nguyên nhân của tình trạng này được đại diện Phòng Xây dựng cơ bản lý giải là do DN gặp khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư. Hiện Tổng công ty vẫn đang bế tắc trong giải quyết tồn tại tại Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam sau nhiều năm đầu tư nhưng không thể đưa vào sản xuất. Do vậy, gần như hoạt động sản xuất thời gian qua của Tổng công ty chỉ mang tính chất duy trì. 

Cổ phần hóa “dậm chân tại chỗ”

Nguồn tin của Báo Đấu thầu cho hay, kế hoạch cổ phần hóa của Vinapaco đã đặt ra từ lâu và dự kiến hoàn thành vào năm 2015, song đến nay vẫn “dậm chân tại chỗ” do gặp vướng mắc tại Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam. Sau khoảng 3 lần gia hạn bán đấu giá và giảm giá, đến nay, Dự án này vẫn chưa có người mua, việc giải quyết tồn tại ở Dự án vẫn chưa có tiến triển mới. Dự kiến, trong năm 2018, Vinapaco sẽ tiếp tục thực hiện bán đấu giá Nhà máy này.

Theo Vinapaco, năm 2017, kết quả sản xuất kinh doanh của DN có nhiều khởi sắc. Tại công ty mẹ, sản xuất kinh doanh khối công nghiệp đạt doanh thu 2.103 tỷ đồng, bằng 111% kế hoạch năm và 101% doanh thu thực hiện năm 2016. Lợi nhuận đạt trên 121 tỷ đồng. Thu nhập người lao động được cải thiện.

Một đại diện Vinapaco nhìn nhận: “Nếu Tổng công ty không bị vướng Dự án “đắp chiếu” trên thì hoạt động sản xuất kinh doanh thời gian tới sẽ không có gì đáng ngại, thậm chí đang có nhiều yếu tố thuận lợi. Song do vướng Dự án nên dù năm 2017, hoạt động kinh doanh đã có lợi nhuận nhưng DN vẫn phải bù lỗ lũy kế cho các năm trước, nên nhìn chung Vinapaco vẫn gặp nhiều khó khăn”.

Năm 2018, Vinapaco đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước với việc xử lý xong tồn tại ở Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam theo sự chỉ đạo của Chính phủ, tiến tới cổ phần hóa Tổng công ty. Đồng thời, đẩy mạnh thoái vốn nhà nước theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, đúng pháp luật và bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước.

“Nếu không giải quyết được tồn tại của Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam thì tương lai của Tổng công ty sẽ rất mù mịt. Kế hoạch cổ phần hóa sẽ không thể thực hiện được”, một chuyên gia kinh tế khẳng định.

Chuyên đề