Vi phạm quy định, Kido vẫn tổ chức ĐHCĐ?

(BĐT) - Hôm nay 17/6/2016, theo kế hoạch, Công ty CP Tập đoàn Kido sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2016. Tuy nhiên, đến chiều ngày 16/6/2016, tức trước cuộc họp 1 ngày, Công ty chưa công bố đủ tài liệu theo quy định tại Thông tư 155/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Kido đã bán 80% mảng bánh kẹo cho Mondelez trong năm 2015. Ảnh: Minh Thư
Kido đã bán 80% mảng bánh kẹo cho Mondelez trong năm 2015. Ảnh: Minh Thư

Vi phạm nghiêm trọng

Theo quy định nói trên, chậm nhất 10 ngày trước ngày khai mạc họp ĐHCĐ, công ty đại chúng phải công bố trên trang thông tin điện tử của công ty và của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán (trường hợp là tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch) về việc họp ĐHCĐ, trong đó nêu rõ đường dẫn đến toàn bộ tài liệu họp ĐHCĐ thường niên, bao gồm: thông báo mời họp, mẫu chỉ định đại diện theo uỷ quyền dự họp, chương trình họp, phiếu biểu quyết, danh sách và thông tin chi tiết của các ứng cử viên trong trường hợp bầu thành viên Ban Kiểm soát, thành viên Hội đồng quản trị; các tài liệu tham khảo làm cơ sở thông qua quyết định và dự thảo nghị quyết đối với từng vấn đề trong chương trình họp.

Các tài liệu mà Kido phải công bố bao gồm: Báo cáo của Ban Kiểm soát, Thư mời tham dự ĐHCĐ và các tờ trình. Các tài liệu báo cáo của HĐQT, của Ban tổng giám đốc về tình hình kinh doanh 2015, kế hoạch 2016, dự thảo nghị quyết ĐHCĐ hoàn toàn vắng bóng.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đại diện Kido và không nhận được câu trả lời về những tài liệu nói trên. Trong khi đó, căn cứ tờ trình ĐHCĐ thường niên, có nội dung khiến cổ đông băn khoăn là con số doanh thu thuần và lợi nhuận kế hoạch  năm 2016 lần lượt đạt 1.600 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng.

Căn cứ biên lợi nhuận siêu thực nói trên (cứ 100 đồng doanh thu thuần tạo ra 93,7 đồng lợi nhuận), không khó để dự đoán phần lớn lợi nhuận đạt được trong năm 2016 của Kido sẽ đến từ mảng tài chính hoặc hoạt động khác. Không ngoại trừ việc công ty này sẽ tiếp tục bán tài sản, như động thái năm 2015: bán 80% mảng bánh kẹo cho Mondelez và ghi nhận lợi nhuận khủng gần 5.270 tỷ đồng cả năm.

Lại găm thông tin bán tài sản

Kido là trường hợp khá điển hình trong việc “che giấu” các thông tin. Trước đó, khi đưa ra sản phầm mì ăn liền, Công ty cũng thầm lặng thực hiện mà không công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. 
Năm 2015, sau khi bán 80% cổ phần Kinh Đô Bình Dương – BKD (sau đổi tên thành Mondelez Kinh Đô Việt Nam) cho đối tác ngoại, BKD trở thành công ty liên kết của Kido với tỷ lệ nắm giữ của Kido tại doanh nghiệp này là 20%. Nếu như bán 80% BKD, Kido ghi nhận hơn 6.500 tỷ đồng lợi nhuận, bán tiếp 20% cổ phần còn lại với cùng mức giá, lợi nhuận của Công ty sẽ đạt hơn 1.600 tỷ đồng. Phép tính nói trên chỉ đúng tương đối. Trong bất kỳ thương vụ nào, giá cả bao giờ cũng là điều khoản được tuyên bố, thương lượng sau cùng.

Tuy nhiên, có thể nhận ra, với chiến lược đầu tư mạnh vào mảng hàng thực phẩm và gia vị như trong tuyên bố tại báo cáo thường niên 2015 của Tổng giám đốc Trần Lệ Nguyên, có vẻ như Kido không có nhiều lý do cũng như tâm huyết để giữ lại thương hiệu đã làm nên tên tuổi Công ty một thời. Phát biểu tại ĐHCĐ năm ngoái, đại diện Kido cho rằng “không ai ăn bánh kẹo cả ngày”, đó là lý do mà công ty này từ bỏ mảng bánh kẹo.

Kido là trường hợp khá điển hình trong việc “che giấu” các thông tin. Trước đó, khi đưa ra sản phầm mì ăn liền, Công ty cũng thầm lặng thực hiện mà không công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Lý do được Kido đưa ra là sản phẩm đang trong giai đoạn thăm dò thị trường, thậm chí doanh thu/lợi nhuận các mảng kinh doanh mới của Công ty sẽ được giữ kín nhằm tránh sự dòm ngó của các đối thủ.

Trước đây, việc bán mảng bánh kẹo cho đối tác ngoại cũng được Kido úp mở suốt một thời gian dài. Không ngoại trừ lần này, Công ty lại tiếp tục giữ kín thông tin về việc bán tài sản, đúng hơn là phương hướng thực hiện kế hoạch kinh doanh khủng năm 2016.

Còn nhớ, tại ĐHCĐ thường niên 2015 của Kido, cổ đông không được phép đứng lên chất vấn tại cuộc họp. Mọi câu hỏi được ghi ra giấy và Ban chủ tọa sẽ trả lời lần lượt. Tất nhiên, với hình thức này, cuộc họp sẽ trở nên “yên ả” hơn khi HĐQT có quyền lựa chọn câu hỏi phù hợp. Năm 2016, liệu hình thức hỏi đáp nói trên có được duy trì?

Chúng tôi sẽ cập nhật diễn biến ĐHCĐ thường niên 2016 và kết quả sau cuộc họp của Kido.

Chuyên đề