VEAM báo lãi nghìn tỷ sau thuế nhờ công ty liên kết

(BĐT) - Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) vừa công bố Báo cáo tài chính quý I/2018. Mặc dù báo lãi nghìn tỷ nhưng hoạt động kinh doanh chính của Công ty có chiều hướng đi xuống.
Theo kế hoạch đã được phê duyệt, Nhà nước sẽ thoái 52,47% vốn tại VEAM vào năm 2017, tuy nhiên do chậm tiến độ, việc bán vốn phải rời sang năm 2018. Ảnh: Trọng Đạt
Theo kế hoạch đã được phê duyệt, Nhà nước sẽ thoái 52,47% vốn tại VEAM vào năm 2017, tuy nhiên do chậm tiến độ, việc bán vốn phải rời sang năm 2018. Ảnh: Trọng Đạt

Lãi nhờ Honda, Toyota và Ford Việt Nam

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2018 vừa mới công bố, doanh thu thuần hợp nhất của VEAM đạt 1.738 tỷ đồng, tăng 58,86% so với mức 1.094 tỷ đồng trong quý I/2017. Lãi ròng quý I/2018 đạt 1.030 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2017.

Tuy doanh thu và lãi ròng tăng khá, nhưng hoạt động kinh doanh chính của Công ty lại không có nhiều sự cải thiện, thậm chí sụt giảm mạnh, phải trông chờ vào phần lãi thu được từ các công ty liên doanh, liên kết. Cụ thể, nếu loại trừ lợi nhuận được chia từ công ty liên doanh, liên kết thì lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chính âm khoảng 15,06 tỷ đồng so với mức dương 7,49 tỷ đồng cùng kỳ năm 2017.

Nguyên nhân chính theo quan sát của Báo Đấu thầu chủ yếu đến từ biên lợi nhuận gộp trong kỳ sụt giảm mạnh. Theo đó, biên lợi nhuận gộp quý I/2018 giảm xuống chỉ còn 6,3% so với mức 12,4% tại thời điểm quý I/2017. Không chỉ vậy, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thêm hơn 20% (104,07 tỷ đồng) cũng góp phần khiến cho hiệu quả kinh doanh chính sụt giảm.

Khoản đầu tư của VEAM tại 3 công ty là Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam có giá gốc là 6.315 tỷ đồng (riêng khoản đầu tư tại Honda Việt Nam là 5.121 tỷ đồng) tiếp tục trở thành chiếc phao cứu sinh giúp Công ty ghi nhận mức lãi ròng tăng trưởng khá. Quý I/2018, VEAM ghi nhận 1.058 tỷ đồng lãi được chia từ các liên doanh trên, tăng hơn 20% so với cùng kỳ 2017. 

Lên sàn sẽ thoái vốn nhà nước

Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP tiền thân là Công ty TNHH NN MTV, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con thuộc Bộ Công Thương, thành lập ngày 12/5/1990 để thực hiện mục tiêu trọng tâm của ngành cơ khí Việt Nam là công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Công ty có vốn điều lệ 13.288 tỷ đồng, Nhà nước hiện nắm giữ 88,47% vốn điều lệ.
Trong kế hoạch đã được phê duyệt tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn và tỷ lệ thoái vốn tối thiểu theo từng năm của DN có vốn nhà nước giai đoạn 2017 - 2020 thì VEAM sẽ được bán 52,47% vốn vào năm 2017 và 36% vốn trong năm 2020. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, công tác bán vốn nhà nước vẫn chưa được triển khai theo đúng tiến độ.

Sau gần hai năm kể từ thời điểm đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng, Công ty mới chỉ hoàn tất việc xin cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam với mã chứng khoán VEA vào thời điểm tháng 11/2017 với tổng số lượng chứng khoán đăng ký 1.328,8 triệu cổ phiếu. Động thái mới được coi là tín hiệu tích cực của việc thoái vốn là kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) sẽ được trình Đại hội đồng cổ đông diễn ra vào tháng 6 tới. Với lợi thế lớn tại các công ty liên doanh, liên kết cùng với tỷ lệ thoái vốn cao, phiên đấu giá sắp tới của VEAM được dự báo sẽ là “tâm điểm” của thị trường trong năm 2018.

Chuyên đề