“Vấn nạn” xăng dầu nội địa

Việt Nam bỏ hàng tỷ đô la đầu tư các dự án nhà máy lọc dầu nhưng lãi đâu không biết chỉ thấy các con số hàng chục nghìn tỷ đồng dự tính sẽ phải bù đắp cho các sản phẩm xăng dầu nội địa.
Công trường nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (ảnh minh họa)
Công trường nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (ảnh minh họa)

Xăng dầu trong nước đang thực sự trở thành “vấn nạn” trong bối cảnh giá dầu thế giới và chênh lệch thuế nhập khẩu ngày càng giảm mạnh.

Chưa ra lò đã lo bù tiền...

Từ việc nhà máy lọc dầu Dung Quất kêu ca chênh lệch thuế nhập khẩu khiến xăng dầu sản xuất trong nước không tiêu thụ được, người ta mới khui ra được “lỗ hổng” thuế này khiến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước “đút túi” ngàn tỷ đồng (do DN nhập sản phẩm thuế thấp hơn thuế sản phẩm cùng loại trong nước khi áp tính giá bán lại được tính thuế cao). Các nhà kinh doanh xăng dầu với số tiền đầy túi sung sướng bao nhiêu thì các nhà máy lọc dầu lo ngay ngáy bấy nhiêu vì các đầu mối nhập khẩu xăng dầu không mặn mà với xăng dầu nội địa.

Không bán được sản phẩm đồng nghĩa với việc các nhà máy lọc dầu trong nước có “nguy cơ đóng cửa”, từ Dung Quất cho đến Nghi Sơn-dù chưa ra lò mẻ sản phẩm nào. Còn để bán được sản phẩm thì Nhà nước phải tiếp tục “móc túi” hàng chục nghìn tỷ đồng để bù đắp cho các nhà máy này do chênh lệch thuế suất ưu đãi đã được cam kết khi xây dựng dự án.

Thông tin trên báo chí cho biết, năm 2015, PVN đã đưa ra các tính toán về khoản tiền phải bù đắp cho nhà máy lọc dầu Dung Quất dựa trên biểu thuế nhập khẩu xăng dầu (theo Thông tư 165/2014/TT- BTC). Cụ thể, PVN có trách nhiệm phải thực hiện cấp bù cho Dung Quất theo mức 2% với dầu diesel, 5% với LPG và 3% với hạt nhựa PP theo các quy định và hướng dẫn hiện đang áp dụng cho BSR (lọc hóa dầu Bình Sơn) khi thực hiện cơ chế thu điều tiết theo Quyết định 1942/2009/QĐ-TTg của Chính phủ.

Như vậy, nếu giá dầu ở mức 60 USD/thùng, thì chỉ riêng năm 2015, PVN phải bù mất 1.065,7 tỷ đồng và giai đoạn 2016-2018, mỗi năm là 3.011 tỷ đồng để bù cho nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Nghi Sơn cũng ở thế “đâm lao phải theo lao”. PVN sẽ phải thanh toán cho lọc hóa dầu Nghi Sơn số tiền phát sinh do việc thay mặt Chính phủ thực hiện cam kết bao tiêu sản phẩm của dự án này trong suốt 10 năm với số tiền hiện được tạm tính có thể lên tới con số 75.000 tỉ đồng. Đây là số tiền quá lớn mà PVN nhiều khả năng “lực bất tòng tâm” khi Nghi Sơn chính thức vận hành thương mại vào năm tới. Chính vì thế, tập đoàn này đã đề xuất Chính phủ cho lập ra một quỹ, trích từ phí xăng dầu tiêu dùng do PVN thu tại cổng nhà máy khi bán sản phẩm cho khách hàng (tức người tiêu dùng phải gánh) để có một phần tiền trả cho cam kết ưu đãi thuế cho nhà đầu tư dự án liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn.

Câu chuyện chưa dừng ở đây, để giải quyết “vấn nạn” xăng dầu nội địa, PVN còn đề xuất buộc các doanh nghiệp xăng dầu phải mua hết sản phẩm trong nước mới được nhập khẩu. PVN đã thẳng thừng kiến nghị: Chỉ cấp hạn ngạch (quota) cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước tiến hành nhập khẩu sau khi đã đảm bảo tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của các nhà máy lọc dầu trong nước...

Độc quyền xăng dầu là “chết”!

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ nói thẳng: “Các kiến nghị để bảo hộ và độc quyền xăng dầu trong nước hiện nay là hết sức phi lý và sẽ ngày càng “bóp chết” ngành xăng dầu trong nước”.

Ông Lưu Bích Hồ phân tích: Đề xuất của PVN cấp quota nhập khẩu xăng dầu là “chưa phù hợp” với các cam kết hội nhập của VN, có thể tạo vị thế độc quyền cho đơn vị này. Việc quy định doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải mua xăng dầu sản xuất trong nước rồi mới được nhập khẩu, PVN sẽ trở thành đơn vị độc quyền trong cung cấp sản phẩm hóa dầu sản xuất trong nước, “rất nguy”.

“PVN có vẻ đang quá “tham lam”. DN này muốn Nhà nước bảo hộ khỏi sự cạnh tranh của sản phẩm xăng dầu nhập khẩu. Họ lại thu được lãi nhiều khi bán sản phẩm với giá bảo hộ cao ở trong nước và tiếp tục mở rộng công suất các nhà máy lọc dầu để sản xuất được nhiều lên. Một kiểu kinh doanh rất phi lý trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay”-ông Lưu Bích Hồ nói.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng không ít lần lên tiếng cho rằng, Dung Quất hay Nghi Sơn đều là các nhà máy lọc dầu đầu tiên và lớn của Việt Nam. Cho nên, khi làm nhà máy lọc dầu này, Chính phủ mới cho hưởng nhiều ưu đãi như thế, nhưng đã đến lúc các chính sách ưu đãi nên siết lại. “Càng kéo dài ưu đãi càng làm cho các nhà máy lọc dầu không thể có sức cạnh tranh, cuối cùng gánh nặng thuế ưu đãi này sẽ đổ lên đầu toàn dân để đổi lấy sự tồn tại của các nhà máy lọc dầu”-ông Long nói.

Theo ông Long, PVN cứ “sồn sồn” đòi cơ chế bù đắp khẩn hàng nghìn tỷ đồng và đòi hạn chế xăng dầu nhập khẩu nhưng chắc chắn việc giải quyết sẽ phải rất cẩn thận, chẳng dễ dàng gì. Với hiệu quả thấp của các nhà máy lọc dầu hiện nay, nếu không có chính sách phù hợp, thì việc các nhà máy này vẫn tồn tại và tiếp tục tiêu thụ được sản phẩm cũng có nghĩa là cả nền kinh tế Việt Nam phải luôn nhận được hiệu quả thấp của công nghiệp lọc dầu này, tiếp tục phải trực tiếp và gián tiếp bù lỗ cho chúng duy trì hoạt động”-ông Long quả quyết.

Từ “bánh xe” của Dung Quất, Bộ Công Thương nhìn nhận: Vướng mắc trong bao tiêu sản phẩm của lọc dầu Nghi Sơn là “rất cần thiết và cấp bách” song vấn đề này còn phải được bàn rất kỹ. Các biện pháp giải quyết cho Dung Quất sẽ phải tính tới tương lai cho Nghi Sơn khi nhà máy này có cơ chế tài chính tương tự vận hành thương mại từ năm 2017.

Theo ông Long, hiện lọc dầu Dung Quất được hưởng 3% - 7% tiền thuế nhập khẩu đối với từng loại sản phẩm trong các năm từ 2012-2018 với cơ chế thu điều tiết đối với sản phẩm lọc dầu và hóa dầu tiêu thụ trong nước. Những ưu đãi trên có thể được hiểu theo cơ chế đặc thù của khu kinh tế Dung Quất trong quyết định thành lập. Dù nó là chính sách của Chính phủ để thu hút đầu tư, đặc biệt với dự án đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, với ưu đãi đó thì chính người dân đang phải chịu thiệt thòi với phần tiền thuế bị mất.

Theo PVN, vào năm 2018 tổng nguồn cung xăng dầu cho thị trường VN đạt khoảng 18,1 triệu m3 (Nghi Sơn góp hơn 9,6 triệu m3, Dung Quất hơn 7,8 triệu m3, bốn nhà máy chế biến/pha chế xăng từ condensate 690.000m3).

Trong khi đó, PVN nêu tổng nhu cầu thị trường nội địa với xăng, dầu diesel và xăng Jet A1 vào năm 2018 chỉ khoảng 17,3 triệu m3. Như vậy tổng cung sẽ vượt cầu khoảng 821.000m3, riêng sản phẩm dầu diesel sẽ dư khoảng 849.000m3.

Chuyên đề