Ứng dụng IoT: Doanh nghiệp thuận lợi nhiều hơn khó khăn

(BĐT) - Sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN4.0) hứa hẹn sẽ mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) những cơ hội mới. IoT (Internet vạn vật) được xem là một trong những công nghệ cốt lõi của cuộc CMCN4.0. Đẩy mạnh ứng dụng IoT vào sản xuất giúp DN nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới sáng tạo, tăng sức cạnh tranh.
Ứng dụng IoT phục vụ tưới tiêu trong nông nghiệp (ảnh Internet)
Ứng dụng IoT phục vụ tưới tiêu trong nông nghiệp (ảnh Internet)

Nhiều thuận lợi

Bàn về vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh của DN thông qua sáng tạo với đổi mới công nghệ trong CMCN4.0 tại Tọa đàm về IoT diễn ra ngày 11/4, tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, tiềm năng của IoT rất lớn. Các DN Việt Nam đang có những cơ hội tốt để tối ưu hóa hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó gia tăng doanh thu, lợi nhuận nhờ những ứng dụng về IoT.

Theo ông Đào Hữu Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ công nghệ cao thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, các DN nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam hiện nay đang có nhiều cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ ứng dụng IoT. Lý do là, hiện nay, hệ thống mạng thông tin di động của Việt Nam có tốc độ tương đối cao. Theo định hướng phát triển về thông tin truyền thông, Việt Nam sẽ nhanh chóng tiến đến công nghệ 5G. “Với nền tảng công nghệ 5G có tốc độ truyền dẫn cao, việc phát triển công nghệ IoT còn có nhiều tính năng hơn nữa”, ông Chiến nhấn mạnh.

Cũng theo ông Chiến, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì cùng các đơn vị khác liên quan trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN4.0. Sau Chỉ thị 16, nhiều bộ ngành đã ban hành các chương trình khác nhau về phát triển nhằm nâng cao năng lực tiếp cận, đồng thời, phát triển các công nghệ cốt lõi của CMCN4.0. Tiếp đó, tại Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ ban hành đầu năm 2019, Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai nhiều công việc, trong đó có triển khai Chương trình khoa học trọng điểm cấp nhà nước về ứng dụng phát triển công nghệ cốt lõi của cuộc CMCN4.0. Đây là cơ hội cho DNNVV có thể đăng ký tham gia. “Sau đợt kêu gọi đề xuất, đến tháng 3/2019, Bộ nhận được khoảng 200 đề xuất từ các bộ, ngành địa phương gửi về. Hiện, chúng tôi đang tích cực xem xét hỗ trợ đề tài này”, ông Chiến nói.

Còn tại địa phương, ông Lê Văn Quân, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho biết, Thành phố rất quan tâm đến sự phát triển của DN, nhất là cộng đồng DNNVV thông qua sáng tạo với đổi mới công nghệ. Theo đó, Thành phố đã triển khai nhiều công việc cụ thể để thúc đẩy sự phát triển của khối DN này như: đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan khởi sự DN, theo đó, 100% đăng ký kinh doanh qua mạng. Các DN đăng ký qua điện tử cũng được miễn phí và lệ phí thành lập DN…

Cần thay đổi để thích ứng

Trước dự báo CMCN4.0 sẽ có những tác động mạnh mẽ tới cộng đồng DN, nếu DN Việt Nam không biết thay đổi để thích ứng thì những cơ hội từ cuộc CMCN4.0 có thể trở thành những thách thức. Khuyến nghị tới cộng đồng DN, ông Chiến cho rằng, DN phải tạo nên những khác biệt để nâng cao năng lực cạnh tranh trong cuộc cách mạng này. Muốn khác biệt, DN phải làm chủ và phát triển công nghệ, phải có những sáng tạo trong việc ứng dụng công nghệ... “Việc phát triển khoa học và công nghệ là yếu tố then chốt để DN thành công”, ông Chiến khẳng định.

Với những thành công bước đầu trong ứng dụng công nghệ IoT vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ông Lê Khánh Mạnh, Tổng giám đốc của Delco Farm đánh giá, ứng dụng công nghệ IoT sẽ giúp doanh nghiệp minh bạch thông tin, kiểm soát được năng suất, chất lượng và giảm chi phí đầu tư. Về phía khách hàng sẽ có được những sản phẩm sạch, chất lượng, từ đó gia tăng niềm tin vào DN. Tuy nhiên, ông Mạnh nhìn nhận, ứng dụng IoT không dễ dàng với các DNNVV lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam, bởi lẽ, chi phí đầu tư cao so với đầu tư sản xuất truyền thống; nguồn nhân lực chưa đáp ứng…

Trước những băn khoăn về tính bảo mật khi ứng dụng công nghệ IoT vào sản xuất, kinh doanh, tại Tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, đây là vấn đề đặc biệt quan trọng. Thời gian gần đây, việc bảo mật các dữ liệu thu thập được có nhiều thách thức. Vì vậy, nhiều chuyên gia công nghệ cũng khuyến cáo các DN khi phát triển các công nghệ ứng dụng IoT cần lưu tâm đến việc xây dựng các giải pháp đảm bảo an toàn luồng dữ liệu, từ đó tạo niềm tin cho người sử dụng để ứng dụng rộng rãi hơn.

Các ý kiến khuyến nghị cũng cho rằng, IoT là lĩnh vực rộng, DN cần dựa vào thế mạnh của mình ở điểm nào để tiếp cận giải pháp IoT theo hướng đó. Còn Nhà nước nên có những hỗ trợ đặc biệt cho những DN khởi nghiệp trong lĩnh vực IoT; hỗ trợ về tài chính như giảm thuế nhập khẩu linh kiện, phát triển công nghiệp phụ trợ để tối ưu hóa công nghệ IoT.

Chuyên đề