Uber, Grab có vi phạm pháp luật về cạnh tranh?

(BĐT) - Một cuộc tranh cãi “nảy lửa” về việc 2 doanh nghiệp Uber, Grab có vi phạm pháp luật về cạnh tranh hay không vừa diễn ra tại Cuộc họp lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương - cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức ngày 10/5 tại Hà Nội.
Các DN taxi truyền thống không cạnh tranh được với Uber, Grab còn vì phải chịu gánh nặng chi phí đầu tư vào thủ tục hành chính chứ không hẳn là do lỗi của Uber hay Grab
Các DN taxi truyền thống không cạnh tranh được với Uber, Grab còn vì phải chịu gánh nặng chi phí đầu tư vào thủ tục hành chính chứ không hẳn là do lỗi của Uber hay Grab

Một doanh nghiệp vận tải hành khách tại Hà Nội phàn nàn rằng, 2 doanh nghiệp này đang khiến cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải taxi truyền thống “điêu đứng”, đứng trước nguy cơ phá sản. Vị này cho rằng đang có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa Uber và Grab với các taxi truyền thống. Ví dụ như Grab vừa triển khai chương trình khuyến mãi là hành khách đi dưới 5m chỉ phải trả 10.000 đồng, nhập mã khuyến mại buổi sáng thì giảm buổi chiều... Mặc dù những doanh nghiệp taxi truyền thống cũng giảm giá cước tới 8.000 đồng/km, nhưng vẫn không thể cạnh tranh nổi. Vậy, hành vi bán phá giá này có được đưa vào Dự Luật và biện pháp xử lý như thế nào? Mức xử phạt 500 triệu đồng đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh là quá ít so với “người khổng lồ” này và so với số tiền họ bỏ ra để khuyến mại cho khách hàng mỗi ngày.

Một số chuyên gia cho rằng, hành vi kinh doanh trên thực tế rất phong phú, trong khi bản chất của Luật Cạnh tranh không phải là để hạn chế cạnh tranh. Trường hợp của Uber, Grab là những doanh nghiệp khởi nghiệp, dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ sáng tạo, do vậy không thể tùy tiện hủy bỏ, ngăn cấm. Ở các nước phát triển có nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp này vẫn hoạt động bình thường, thì không có cớ gì để ngăn họ lại. Có chăng, cần điều tra lại việc giảm giá, áp dụng khuyến mại đã phù hợp chưa, nếu chứng minh được giá cước dưới chi phí bỏ ra làm phá giá thị trường thì phải có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời.

Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Ban Pháp chế của VCCI, sở dĩ các doanh nghiệp taxi truyền thống không cạnh tranh được với Uber, Grab còn vì các doanh nghiệp này đang phải chịu gánh nặng chi phí đầu tư vào thủ tục hành chính gây tốn kém, chứ không hẳn là do lỗi của Uber hay Grab.

Có chung quan điểm này, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, để phán xét Uber hay Grab có vi phạm pháp luật về cạnh tranh hay không thì cần các chuyên gia phân tích, mổ xẻ kỹ lưỡng, bởi vấn đề này đang nằm giữa ranh giới có hay không bảo đảm tính cạnh tranh. Phải thừa nhận một thực tế hiện nay là có sự bất lực của cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh, nên chúng ta chưa thể phân xử, phán xét hợp lý. Nếu thực sự Uber và Grab làm khuyến mại liên tục khiến phá giá thị trường thì phán xét về chuyên môn là vi phạm, nhưng ở mức nào thì cần phân tích kỹ. Chúng ta không thể gạt được họ ra khỏi thị trường, có chăng chỉ hạn chế được hành vi khuyến mại của họ.

Chuyên đề