Từ vụ Cảng Quy Nhơn, sân vận động Chi Lăng: Cơ sở pháp lý nào thu hồi tài sản đã bán?

Câu hỏi đặt ra qua các vụ việc như bán đất của Công ty Tân Thuận (TPHCM), bán sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) và bán cổ phần cảng Quy Nhơn (Bình Định) cho tư nhân là: sau khi kết luận có sai phạm thì Nhà nước có căn cứ pháp lý để thu hồi các tài sản đã bán hay không?
Những vụ việc như bán Cảng Quy Nhơn, bán sân vận động Chi Lăng... đang đặt ra câu hỏi về câu chuyện pháp lý khi thu hồi tài sản đã bán.
Những vụ việc như bán Cảng Quy Nhơn, bán sân vận động Chi Lăng... đang đặt ra câu hỏi về câu chuyện pháp lý khi thu hồi tài sản đã bán.

Giữa tháng 9 vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã thông báo kết luận thanh tra toàn diện việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn, trong đó nêu rằng Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) thực hiện chuyển nhượng vốn không rõ ràng, trái thẩm quyền.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ yêu cầu hủy bỏ các văn bản của Bộ Giao thông Vận tải về các chỉ đạo trên, thu hồi 75,01% số cổ phần tại cảng Quy Nhơn mà Vinalines đã chuyển nhượng cho Công ty Hợp Thành về tài sản nhà nước.

Tương tự việc chuyển nhượng vốn tại cảng Quy Nhơn, thời gian gần đây, nhiều thương vụ chuyển nhượng tái sản nhà nước đã được xác định là thiếu căn cứ pháp lý, trái thẩm quyền, không đúng quy trình, thủ tục, hoặc do có tham nhũng, tiêu cực, chẳng hạn như thương vụ bán đất của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (TPHCM), bán sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng)…

Câu hỏi đặt ra qua các vụ việc như bán đất của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (TPHCM), bán sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) và bán cổ phần cảng Quy Nhơn (Bình Định) cho tư nhân là: sau khi kết luận có sai phạm thì Nhà nước có căn cứ pháp lý để thu hồi các tài sản đã bán hay không?

Trả lời câu hỏi này, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng, việc thu hồi về quan điểm thì "có vẻ hay" nhưng cơ sở pháp lý thì "bế tắc hoàn toàn, không có cơ sở nào cả".

Nêu từng trường hợp cụ thể, ông Đức cho rằng, việc thu hồi như đấu giá đất tại Đà Nẵng thì có một ít cơ sở pháp lý nhưng áp dụng máy móc. Còn việc thu hồi sân vận động Chi Lăng thì trên thực tế "không có cách gì thu hồi được nếu như làm sòng phẳng, trừ khi tuyên bố đất đấy sau đấu giá cấm nhà đầu tư làm gì'.

"Câu chuyện từ AVG, cổ phần hoá hãng phim truyện, đến Cảng Quy Nhơn mỗi cái có sai trái, vi phạm riêng nhưng việc thu hồi phải thực hiện trên cơ sở 2 điều kiện: thứ nhất, ông mua phải sai, thứ 2 còn phải xem tiến độ, thời gian thực hiện như thế nào", ông Đức phân tích.

Theo ông Đức, như thương vụ AVG phát hiện có sai phạm, đặc biệt rơi vào tình huống chưa thực hiện xong hợp đồng nên có thể huỷ, đình chỉ, đơn phương chấm dứt hợp đồng. Câu chuyện pháp lý ở đây đã rõ ràng và huỷ hợp đồng trên cơ sở 2 bên ngồi xuống thoả thuận lại.

"Đối với một số trường hợp như Cảng Quy Nhơn chưa nhìn thấy bất cứ sai nào của chủ đầu tư, bên bán thậm chí không sai, cấp phê duyệt chưa chắc đã sai vì câu chuyện bán 100% hay bao nhiêu % có vấn đề gì đâu, lúc đấy mọi người thậm chí chỉ mong bán được, bán hết. Nếu có tiêu cực lại là chuyện khác nhưng chưa ai nói đến việc đó, chỉ thấy nói là ông làm nhanh quá, làm ẩu quá, liều quá dẫn đến tình trạng căn cứ pháp lý chưa hoàn toàn đúng", ông Đức nói.

Trong trường hợp có sai phạm thất thoát, ông Đức đặt câu hỏi: "Tổn thất thì ai chịu trách nhiệm? Đấy là việc của người làm sai, Nhà nước phải rút kinh nghiệm lần sau làm cho tốt trong khâu bổ nhiệm, quản lý, thông qua phê duyệt... chứ còn 1 giao dịch đúng luật hoàn toàn, lại xong xuôi đầu đuôi câu chuyện 3-4 năm rồi, mọi thứ đâu vào đấy rồi thì không nói thu hồi là thu hồi được. Nếu bán cho nhà đầu tư nước ngoài thì sao, thậm chí mua đi bán lại vài người thì sao?"

Ông Đức cho rằng, văn bản của Thanh tra Chính phủ yêu cầu thu hồi cổ phần đã bán là "sai một cách nghiêm trọng" bởi thực tế, việc mua bán trên cơ sở thuận mua vừa bán theo thị trường.

"Trường hợp muốn thu hồi thì phải thu hồi bằng thoả thuận mua bán lại, trước bán cho tôi giờ tôi bán lại. Nếu như chứng minh được sai phạm nghiêm trọng trong đấy và người mua thì huỷ hợp đồng nhưng không đồng ý thì thôi. Hai bên Nhà nước và dân bằng nhau, không ông nào to hơn trong trường hợp mua bán này cả. Nếu không thoả thuận được phải ra toà thì dựa vào phán quyết của toà, không thể đưa ra cơ chế hành chính từ một phía", ông nói.

Đáng lưu ý, ông Đức cho rằng, những vụ việc như thế này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư.

"Đây mới là câu chuyện lớn chứ không chỉ giấy phép kinh doanh hay các điều kiện kinh doanh cản trở môi trường đầu tư đâu. Đây là chuyện lòng tin của nhà đầu tư, rủi ro mất trắng cho nhà đầu tư, luật chơi không thể thích thì chơi, không thích thì xoá cờ giải tán. Trường hợp này nhà nước phải xử lý như một bên hợp đồng, vai trò nhà nước đốc thúc bên làm sai, nếu cán bộ công chức làm sai thì phải đền, phải thoả thuận, phải ra toà. Nguyên tắc cao nhất phải bảo vệ sự ổn định, phát triển, hoạt động, uy tín của nhà nước, niềm tin của nhà đầu tư", ông Đức nhấn mạnh.

Chuyên đề