Tổng công ty Sông Hồng chìm trong thua lỗ

(BĐT) - Sau cổ phần hóa, Tổng công ty Sông Hồng từ một thương hiệu xây lắp uy tín, nhanh chóng rơi vào “vũng lầy” thua lỗ, nợ nần. 
Tính đến 31/3/2018, tổng nợ phải trả của Tổng công ty Sông Hồng là 1.669 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 1.486 tỷ đồng. Ảnh: NC st
Tính đến 31/3/2018, tổng nợ phải trả của Tổng công ty Sông Hồng là 1.669 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 1.486 tỷ đồng. Ảnh: NC st

Tình hình bi đát đến mức Bộ Tài chính vào giữa năm ngoái đã phải phát đi cảnh báo về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp này. Sau năm 2017 lỗ 55 tỷ đồng, báo cáo tài chính quý I/2018 tiếp tục cho thấy bức tranh kinh doanh ảm đạm của “đại gia” một thời này. 

Quý I/2018 lỗ hơn 8 tỷ đồng

Theo BCTC quý I/2018, doanh thu của Sông Hồng chỉ đạt 11,6 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản giá vốn, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, Sông Hồng lỗ tới 9,5 tỷ đồng. Một vài hoạt động không nằm trong hoạt động kinh doanh chính giúp Tổng công ty mang về khoản lợi nhuận 1,4 tỷ đồng. Kết quả, Sông Hồng lỗ ròng 8,1 tỷ đồng trong quý I/2018.

Tuy nhiên, khoản lỗ của doanh nghiệp này có thể tăng thêm nếu ghi nhận đầy đủ chi phí. Công ty TNHH Kiểm toán CPA Việt Nam, đơn vị thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính quý I/2018 của Sông Hồng đã đưa ra ý kiến ngoại trừ: “Tại ngày 31/12/2017 và 31/3/2018, Tổng công ty đang phản ánh trên khoản mục chi phí sản xuất kinh doanh dở dang một số công trình đã ghi nhận hết doanh thu với số tiền là hơn 9,8 tỷ đồng; Số dư hàng hóa tồn kho tại 31/3/2018 là 0,24 tỷ đồng không có hàng hóa tồn kho thực tế. Nếu điều chỉnh số liệu này thì kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ của Tổng công ty giảm đi 10.049.344.301 đồng”.

Với kết quả này, tổng số lỗ lũy kế của Sông Hồng tại thời điểm 31/3/2018 đã lên tới 493,6 tỷ đồng, gần gấp đôi số vốn điều lệ là 270 tỷ đồng. Kết thúc quý I/2018, vốn chủ sở hữu của Tổng công ty âm 182,7 tỷ đồng.

Cuối năm 2009, doanh nghiệp này được cổ phần hóa với kỳ vọng thương hiệu Sông Hồng sẽ ngày càng mạnh hơn. Tuy nhiên, Sông Hồng ngập chìm trong “vũng lầy” thua lỗ. Ngoại trừ các năm 2011, 2014 lãi nhẹ vài trăm triệu đồng, Tổng công ty đều phải ghi nhận những kết quả kém khả quan trong các năm còn lại, trong đó đáng chú ý là 3 năm 2015, 2016 và 2017 lỗ sau thuế lần lượt 85 tỷ đồng, 187 tỷ đồng và 55,5 tỷ đồng. 

Kinh doanh trì trệ

Tại thời điểm 31/3/2018, giá trị xây dựng cơ bản dở dang của Tổng công ty là 73,9 tỷ đồng, tăng thêm không đáng kể so với con số 71,3 tỷ đồng đầu năm 2017. Trong đó, các hạng mục công trình gồm: Khách sạn Royal Sông Hồng; Dự án Nhà ở cao tầng I1, I2, I3 và văn phòng cho thuê Thành Công 2; Dự án Khu nhà ở cán bộ công chức Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia... là không đổi. Điều này cho thấy tiến độ các dự án gần như “dậm chân tại chỗ”.

Doanh thu của Sông Hồng chủ yếu đến từ các hợp đồng xây dựng. Vì vậy, phần lớn giá trị sản xuất kinh doanh dở dang là giá trị các công trình dở dang mà Sông Hồng đang thi công. Theo báo cáo tài chính quý I/2018, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang có giá trị 376,8 tỷ đồng, gần như không đổi so với thời điểm đầu năm. Điều đó cho thấy khả năng tăng trưởng doanh thu từ hợp đồng xây dựng của Sông Hồng trong năm 2018 là rất khó.

Tính đến thời điểm 31/3/2018, tổng nợ phải trả của Sông Hồng đã lên tới 1.669 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 1.486 tỷ đồng, gần bằng với tổng tài sản của Tổng công ty.

Chuyên đề