Tin không vui cho bầu Đức: Lỗ công ty mẹ tăng gấp 3 sau soát xét của kiểm toán

Đến cuối tháng 6, nợ ngắn hạn của HAG đã vượt tài sản ngắn hạn gần 5.429 tỷ đồng. Ngoài ra, cũng tại ngày này, HAG còn vi phạm một số điều khoản vay và trái phiếu. “Các điều kiện này cho thấy sự tồn tại yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn”, đơn vị kiểm toán bày tỏ lo ngại.
Khả năng hoạt động liên tục của HAGL bị nghi ngờ, tuy nhiên, những bế tắc trong vấn đề tài chính của tập đoàn này đã có nút tháo khi có sự xuất hiện của đối tác chiến lược là Thaco Trường Hải
Khả năng hoạt động liên tục của HAGL bị nghi ngờ, tuy nhiên, những bế tắc trong vấn đề tài chính của tập đoàn này đã có nút tháo khi có sự xuất hiện của đối tác chiến lược là Thaco Trường Hải

Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2018 đã được soát xét bởi công ty kiểm toán Ernst & Young Việt Nam.

Sau soát xét, doanh thu thuần nửa đầu năm nay của HAG giảm nhẹ so với báo cáo tự lập, đạt 2.914,8 tỷ đồng, trong khi giá vốn cao hơn, tăng lên mức 1.486,5 tỷ đồng. Lãi gộp theo đó giảm 24 tỷ đồng so với báo cáo tự lập của doanh nghiệp, đạt 1.428,3 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính không thay đổi nhiều nhưng chi phí tăng lên gần 40 tỷ đồng. Một vài khoản mục chi phí khác của HAG thì giảm nhẹ sau soát xét như chi phí quản lý, chi phí bán hàng và cả khoản lỗ khác cũng giảm.

Trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng giảm nhẹ thì sau soát xét, chi phí tài chính của HAG lại tăng gần 39 tỷ đồng (4,4%) so với báo cáo do tập đoàn tự lập, lên 923,7 tỷ đồng, tức mỗi ngày phải trả hơn 5,1 tỷ đồng chi phí tài chính trong 6 tháng qua (trong đó gần 4,8 tỷ đồng lãi vay/ngày).

Cũng theo báo cáo soát xét, HAG có lãi trước thuế trong nửa đầu năm 127,3 tỷ đồng, giảm gần 18 tỷ đồng so với tập đoàn tự lập; lãi sau thuế 100,2 tỷ đồng, giảm gần 40 tỷ đồng (lần lượt giảm 12,2% và 28,4% so với tự lập).

Đáng chú ý, mức lỗ thuộc về công ty mẹ sau soát xét lên tới 34,5 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với báo cáo tự lập.

Kiểm toán viên cũng nhấn mạnh, tại ngày 30/06/2018, nợ ngắn hạn của HAG đã vượt tài sản ngắn hạn gần 5.429 tỷ đồng. Ngoài ra, cũng tại ngày này, HAG đã vi phạm một số điều khoản vay và trái phiếu.

“Các điều kiện này cho thấy sự tồn tại yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn”, kiểm toán viên nhận định.

Theo dữ liệu tại báo cáo tài chính HAG, đến cuối tháng 6 vừa qua, tập đoàn này có 7.635,1 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, sụt giảm 1.180 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho đã lên tới 1.371,7 tỷ đồng, tăng 253 tỷ đồng. Ngược lại, tài sản dài hạn lại tăng hơn 3.189 tỷ đồng.

Trong khi đó, nợ phải trả của HAG trong nửa đầu năm đã tăng 1.380 tỷ đồng lên 36.654,7 tỷ đồng. Riêng nợ ngắn hạn là 13.064 tỷ đồng.

Thừa nhận những khó khăn vấp phải, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT HAG đã quyết định tìm đến tỷ phú đôla Trần Bá Dương để đề nghị "cứu" mình. Kết quả, hồi đầu tháng này, HAG đã ký kết thoả thuận hợp tác đầu tư chiến lược với Thaco Trường Hải. Theo đó, Thaco cam kết sẽ hỗ trợ HAG và Công ty CP Nông nghiệp quốc tế HAGL (HNG) cơ cấu các khoản nợ vay và huy động vốn đầu tư chăm sóc diện tích trồng cây ăn trái đã có, phát triển mở rộng diện tích trồng cây ăn trái dự kiến trong 2 năm 2019 và 2020. Tổng số tiền mà nhóm Thaco rót cho HAG và HNG lên tới 1 tỷ USD.

Tiếp sau động thái trên, ngày 16/8, ĐHĐCĐ của HAG cũng đã phê duyệt phát hành thêm 185 triệu cổ phiếu HAG với giá phát hành 7.200 đồng/cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng) cho nhà đầu tư riêng lẻ để có thêm nguồn vốn cho tập đoàn.

Chuyên đề