Thiếu “đầu tàu” dẫn DN tư nhân vào chuỗi giá trị

(BĐT) - Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) trong những năm gần đây phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. 
6 tháng đầu năm 2018, có hơn 64.500 DN đăng ký thành lập với tổng vốn đăng ký 648.967 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
6 tháng đầu năm 2018, có hơn 64.500 DN đăng ký thành lập với tổng vốn đăng ký 648.967 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, tính liên kết giữa các DNTN còn yếu, thậm chí thiếu vắng một lực lượng DN “đầu tàu” đủ mạnh để có thể dẫn dắt “đoàn tàu” tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất trong nước và quốc tế.      

Bùng nổ về số lượng

Báo cáo Phát triển bền vững khu vực DNTN vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện trình Chính phủ cho thấy, DNTN Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ, bùng nổ về số lượng.

Báo cáo nêu rõ, trong giai đoạn năm 2011 - 2016, Việt Nam có 504.073 DN đăng ký thành lập, xấp xỉ số lượng DN đăng ký kinh doanh trong cả 10 năm trước đó (giai đoạn 2000 - 2010 có khoảng 510 nghìn DN đăng ký kinh doanh trên toàn quốc). Bên cạnh đó, số lượng DN quay trở lại thị trường cũng có những kết quả khả quan.

Riêng năm 2017, số DN đăng ký thành lập mới đã vươn tới con số 126.859 DN, cao nhất từ trước tới nay; cùng với đó có 26.448 DN quay trở lại hoạt động. Tổng số vốn đăng ký vào nền kinh tế trong năm 2017 là 3,1 triệu tỷ đồng. Số liệu 6 tháng đầu năm 2018 cũng cho thấy, số lượng DN thành lập mới tiếp tục tăng mạnh với hơn 64.500 DN, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2017; tổng số vốn đăng ký của các DN thành lập mới là 648.967 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả này đạt được là nhờ Chính phủ không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông qua hoàn thiện khung pháp lý với những tư tưởng đổi mới mạnh mẽ. Nổi bật là trong năm 2014, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật DN (sửa đổi) với nhiều nội dung mới nhằm tạo sự thay đổi tích cực môi trường kinh doanh. Tháng 7/2015, hai luật này chính thức có hiệu lực đã góp phần tạo cơ chế thông thoáng, tác động trực tiếp, thuận lợi cho DN trong quá trình kinh doanh. Điển hình như: DN có quyền tự quyết về số lượng, hình thức, nội dung của con dấu; DN được quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Cùng với đó, quy định của Luật DN 2014 yêu cầu rút ngắn thời gian đăng ký DN còn 3 ngày được thực hiện tốt.

Song song với nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, việc cắt giảm chi phí khởi sự kinh doanh cho DN cũng được các bộ, ngành chú trọng. Riêng lĩnh vực đăng ký DN, kể từ ngày 20/1/2018, lệ phí đăng ký DN được giảm 50% so với quy định trước đây và miễn phí 100% lệ phí đối với trường hợp DN đăng ký qua mạng điện tử. 

Nhiều giải pháp hỗ trợ

Ghi nhận sự phát triển mạnh về số lượng DNTN, song Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra, tình hình phát triển của DNTN vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đa số DNTN có quy mô nhỏ và vừa (99% DNTN là DN nhỏ và vừa). Trong đó, số lượng DN siêu nhỏ và nhỏ chiếm đa số (trên 90%) ở cả ba nhóm ngành nông nghiệp, công nghiệp xây dựng và thương mại, dịch vụ. Chiếm ưu thế về số lượng, nhưng tổng tài sản cố định và đầu tư dài hạn của khu vực DNTN chỉ chiếm khoảng 40% tổng số tài sản cố định và đầu tư dài hạn của toàn bộ khối DN.

Đặc biệt, tính liên kết của các DNTN Việt Nam còn yếu, nhất là rất ít mối liên kết giữa các DN nhỏ và DN có quy mô lớn hơn. Hoạt động của các tập đoàn kinh tế và DN thuộc khu vực tư nhân chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực như dịch vụ, bất động sản… “DNTN Việt Nam thiếu vắng một lực lượng DN “đầu tàu” đủ mạnh để có thể dẫn dắt “đoàn tàu” DN Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế”, Báo cáo nhận xét.

Đồng ý với những tồn tại của DNTN như Báo cáo nêu, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương bổ sung, thực tế DNTN Việt Nam vẫn còn gặp không ít khó khăn khi thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, nhiêu khê; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro cao, thiếu sự an toàn và minh bạch… DNTN cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tham gia các dự án đầu tư, mua sắm công, được cấp quyền khai thác khoáng sản, tiếp cận các nguồn lực khác của Nhà nước.

Để khu vực DNTN phát triển hiệu quả và bền vững, thực sự trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra một số giải pháp chính. Đó là tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước về phát triển DNTN; đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa; hỗ trợ nâng cao năng suất lao động trong DN; giảm chi phí đối với sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cải cách và cơ cấu lại DN nhà nước một cách thực chất và hiệu quả để tạo cơ hội phát triển kinh tế tư nhân…

Đối với thúc đẩy liên kết DNTN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh giải pháp: Thời gian tới tăng cường liên kết DN, hỗ trợ DN tham gia các cụm, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

Chuyên đề