Thép Nam Kim: Rủi ro khi tăng trưởng nóng?

(BĐT) - Mặc dù doanh thu và lợi nhuận không ngừng tăng trưởng mạnh trong năm 2016 và 2017, tuy nhiên bức tranh tài chính của Công ty CP Thép Nam Kim đã bắt đầu xuất hiện những rủi ro khi nợ vay, hàng tồn kho tăng nhanh.
Tổng nợ phải trả của Nam Kim lên tới 7.233 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2016. Ảnh: Quang Tuấn
Tổng nợ phải trả của Nam Kim lên tới 7.233 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2016. Ảnh: Quang Tuấn

Cùng với đó, hoạt động kinh doanh chính lần đầu tiên không tạo ra tiền trong 4 năm trở lại đây.

Áp lực nợ vay

Tham vọng mở rộng thị phần và nhảy sang mảng tôn mạ của Nam Kim được thể hiện bằng việc đầu tư các dự án mới như Nhà máy Nam Kim 3, Nhà máy Ống thép Nam Kim (Long An). Trong năm 2018, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư Dự án Nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 2.200 tỷ đồng và giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 4.700 tỷ đồng, Dự án Nam Kim Corea.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 vừa diễn ra, Công ty cho biết, việc đầu tư các nhà máy chỉ sử dụng 30% vốn tự có, còn lại 70% là đi vay. Tại thời điểm cuối năm 2017, tổng vay nợ ngắn hạn và dài hạn của Nam Kim là 6.180 tỷ dồng, gấp 2,1 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, vay nợ ngắn hạn là 5.556 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả của Nam Kim là 7.233 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2016 và chiếm 72% tổng tài sản. Trong khi đó, chỉ số này của các doanh nghiệp cùng ngành đều thấp hơn nhiều, như Pomina (56%), Hòa Phát (39%), Thép Việt Ý (63%).

Với những dự án mới trong năm 2018, nhiều khả năng nợ vay của Nam Kim sẽ tiếp tục tăng. Nhằm giảm bớt áp lực nợ vay, Công ty đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ thêm 30 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ năm 2017 cho biết, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 1.440 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính (chủ yếu là hoạt động vay nợ) dương 2.815 tỷ đồng. Điều này là hợp lý với một doanh nghiệp đang cần một lượng vốn lớn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm tới 1.456 tỷ đồng. Mặc dù lợi nhuận ròng năm 2017 lên tới hơn 700 tỷ đồng nhưng gần như dồn hết vào hàng tồn kho và bán chịu cho khách hàng. Trước đó, trong giai đoạn 2014 - 2016, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Nam Kim luôn dương. Nếu dòng tiền này không được cải thiện trong thời gian tới thì sẽ gây thêm áp lực nợ vay cho Nam Kim. 

Hàng tồn kho tăng mạnh

Tại thời điểm cuối năm 2017, hàng tồn kho của Nam Kim lên tới 4.090 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với con số 2.032 tỷ đồng đầu năm. Đáng chú ý hơn là tồn kho thành phẩm tăng từ 667,7 tỷ đồng lên 1.530 tỷ đồng (tăng 2,29 lần). Ngoài ra, hàng tồn nguyên vật liệu tăng từ 1.314 tỷ đồng lên 1.530 tỷ đồng và xuất hiện thêm hàng đang đi trên đường là 729,5 tỷ đồng. Với kết quả như vậy, vòng quay hàng tồn kho của Nam Kim năm 2017 giảm từ 5,07 xuống còn 3,67 vòng.

Tại Đại hội đồng cổ đông 2018, Nam Kim cho biết, cuối năm 2016 và trong năm 2017 Công ty đã đưa vào hoạt động dây chuyền cán nguội 410.000 tấn/năm, dây chuyền mạ lạnh 200.000 tấn/năm, dây chuyền mạ màu và Nhà máy Sản xuất thép Long An. Do đó, cần phải gia tăng hàng tồn kho để bảo đảm hoạt động sản xuất từ việc tăng công suất và ảnh hưởng đến vòng quay hàng tồn kho. Ngoài ra, giá trị hàng tồn kho cũng gia tăng theo do giá nguyên liệu tăng.

Trong cơ cấu doanh thu của Nam Kim, doanh thu nội địa chiếm 56% - 59% tổng doanh thu, còn hoạt động xuất khẩu chiếm 43%. Vì vậy, việc Mỹ áp thuế thuế 25% đối với thép nhập khẩu, trong đó có Việt Nam, cùng với chủ nghĩa bảo hộ thương mại lan rộng có thể là những rủi ro Nam Kim phải đối mặt trong thời gian tới.

Chuyên đề