Thêm dự án “đắp chiếu” 10.000 tỷ đồng của ngành hóa chất

(BĐT) - Dự án Khai thác và chế biến muối mỏ tại Lào có tổng mức đầu tư lớn, sử dụng vốn nhà nước nhưng đã phải dừng triển khai từ năm 2017. Theo kết luận thanh tra của Bộ Công Thương, Vilachemsalt (doanh nghiệp được Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thành lập để quản lý Dự án) đã có nhiều thiếu sót, hạn chế dẫn đến việc triển khai Dự án khi chưa đáp ứng được nhiều yếu tố.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Bộ máy quản lý dự án không phù hợp

Dự án Khai thác và chế biến muối mỏ tại Lào của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam được bắt đầu triển khai từ năm 2004 (bắt đầu từ giai đoạn thăm dò, đánh giá trữ lượng). Khi đó, Vilachemsalt được thành lập để tổ chức quản lý thực hiện Dự án. Tổng mức đầu tư Dự án là 552,466 triệu USD (tương đương hơn 10.000 tỷ đồng), tiến độ dự kiến 40 tháng.

Kế hoạch đấu thầu (cơ sở để triển khai thực hiện Dự án) được Tập đoàn Hóa chất Việt Nam phê duyệt vào ngày 26/4/2013) bao gồm 15 gói thầu, trong đó có 2 gói thầu chính (Gói số 9 và Gói số 10 (EPC)) cùng các gói thầu phụ trợ.

Sau khi khởi công, ngày 26/7/2017, Tập đoàn đã có thông báo tạm ngừng công việc của Hợp đồng EPC do gặp nhiều khó khăn. Lúc này, tiến độ của Hợp đồng EPC đạt khoảng 57,086% khối lượng hợp đồng ký kết.

Kết luận thanh tra của Bộ Công Thương nhận định, Vilachemsalt là đơn vị có nguồn nhân lực chủ yếu lấy từ các đơn vị trong Tập đoàn và tuyển dụng ngoài ngành nên chưa có kinh nghiệm trong quản lý dự án lớn ở lĩnh vực đầu tư mới, đầu tư ra nước ngoài.

Do vậy, bộ máy thực hiện công tác quản lý đầu tư chỉ đảm bảo yêu cầu theo dõi chủ trương đầu tư và cơ chế khung thực hiện Dự án, không thể tham gia quản lý tổng thể, điều hành, chấn chỉnh toàn bộ hoạt động đầu tư. Để xảy ra sai sót này, Bộ Công Thương nhấn mạnh, trách nhiệm thuộc về HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng giám đốc, Ban Tổ chức nhân sự Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Giám đốc và tập thể Vilachemsalt.

Cùng với đó, năng lực của Vilachemsalt, Tổng giám đốc Công ty không phù hợp. Vilachemsalt cũng không thực hiện đầy đủ một số chức năng, nhiệm vụ được giao trong quá trình triển khai Dự án liên quan đến lập kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu… và quá trình giám sát sau đấu thầu. Thực tế, Vilachemsalt đã thuê tư vấn để thực hiện quản lý Dự án đối với một số gói thầu nên đã để xảy ra những sai phạm.

Không lường trước biến động để đánh giá hiệu quả kinh tế

Vòng đời của Dự án theo tính toán của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là 20 năm. Việc tính toán hiệu quả kinh tế trong Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án được xác định trên cơ sở giá bán sản phẩm KCI dự báo của Fertecon trong 20 năm hoạt động. Kết quả tính toán Dự án thời điểm đó là “có hiệu quả kinh tế”.

Tuy nhiên, trong khi Dự án đang triển khai, cuối năm 2016, diễn biến giá các sản phẩm phân bón, trong đó có sản phẩm phân bón KCI trên thế giới và Việt Nam liên tiếp giảm sâu theo xu hướng của giá dầu mỏ. Điều này ảnh hướng lớn đến hiệu quả Dự án.

Cuối năm 2016, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã liên hệ với 4 nhà cung cấp nhưng không thu được thông tin dự báo về giá KCI trong 5 năm (2017 - 2021). Khi đó, Tập đoàn buộc phải thuê Viện Khoa học và Công nghệ mỏ - luyện kim để tính toán lại hiệu quả kinh tế của Dự án. Và Dự án được đánh giá là không có hiệu quả kinh tế.

Đáng lưu ý, ngay tại thời điểm ngày 3/12/2012, Bộ Tài chính đã đề nghị “đánh giá về giá sản phẩm của Dự án nhập về Việt Nam so với giá sản phẩm nhập khẩu cùng chủng loại từ nguồn khác”. Tuy nhiên, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam khi đó đã không thực hiện điều chỉnh, bổ sung kiến nghị này mà chỉ sử dụng kết quả của đơn vị tư vấn lập dự án đầu tư để thực hiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Dự án.

Chuyên đề