Thêm 2 đại gia Việt lọt Top giàu nhất thế giới 2019: Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang

Không nằm ngoài dự đoán của giới truyền thông, năm nay, Việt Nam xuất hiện 2 tỷ phú USD mới là ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang bên cạnh những gương mặt cũ là ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Trần Bá Dương. Tuy nhiên, ông Trần Đình Long lại rớt top giàu nhất thế giới dù vẫn nắm trong tay 1 tỷ USD.

Tạp chí Forbes ngày 5/3 đã chính thức công bố danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2019, trong đó, Việt Nam có 5 đại diện góp mặt.

Theo đó, ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Vingroup vẫn tiếp tục là người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản đạt 6,6 tỷ USD, xếp thứ 239 thế giới.

Đây là năm thứ 7 liên tiếp ông Phạm Nhật Vượng có tên trong danh sách này của Forbes. Vị thứ của ông Vượng cải thiện nhanh chóng nhờ diễn biến tích cực của cổ phiếu VIC. Hồi năm ngoái, khối tài sản của ông chủ Vingroup đạt 4,3 tỷ USD, giàu thứ 499 thế giới.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO hãng bay VietJet vẫn là người phụ nữ duy nhất của Việt Nam được Forbes xướng tên trong bảng xếp hạng giàu nhất thế giới. Với khối tài sản ròng đạt 2,3 tỷ USD, bà Thảo hiện đang xếp thứ 1.008 trong danh sách này.

Việt Nam trong bản đồ xếp hạng siêu giàu thế giới của Forbes

Trong khi ông Trần Bá Dương  - Chủ tịch Trường Hải (Thaco) lần thứ 2 có mặt trong bảng xếp hạng của Forbes với 1,7 tỷ USD, đứng thứ 1.349 thì ông Trần Đình Long – Chủ tịch Hoà Phát chính thức rớt khỏi danh sách giàu nhất thế giới mặc dù theo thống kê theo thời gian thực (real time) thì tài sản của Long vẫn đang đạt 1 tỷ USD.
Thêm 2 đại gia Việt lọt Top giàu nhất thế giới 2019: Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang ảnh 2

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan là tỷ phú đôla mới, lọt vào danh sách 5 tỷ phú giàu nhất Việt Nam của FORBES

Không nằm ngoài dự đoán của giới truyền thông, năm nay, Việt Nam xuất hiện 2 tỷ phú USD mới là ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch ngân hàng Techcombank và ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch tập đoàn MaSan. Theo danh sách này, ông Hồ Hùng Anh có 1,7 tỷ USD xếp thứ 1.349 thế giới (tài sản tương đương với ông Trần Bá Dương) còn ông Nguyễn Đăng Quang có 1,3 tỷ USD xếp thứ 1.717 thế giới.

Ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch ngân hàng Techcombank

Trên thị trường chứng khoán phiên 5/3, cổ phiếu VIC của Vingroup giảm nhẹ 100 đồng còn 117.300 đồng, VJC của VietJet giảm 900 đồng còn 120.000 đồng, MSN của MaSan giảm 100 đồng còn 89.400 đồng, TCB của Techcombank giảm 200 đồng còn 26.800 đồng và HPG giảm 300 đồng còn 35.050 đồng.

Phần lớn các mã vốn hoá lớn trong phiên này đều điều chỉnh giảm, qua đó khiến chỉ số rổ VN30 giảm 4,76 điểm tương ứng 0,51%. Trong khi đó, chỉ số chính VN-Index sau khi chạm ngưỡng 1.000 điểm trong phiên sáng đã quay đầu trong phiên chiều, giảm 1,54 điểm tương ứng 0,15% còn 992,45 điểm.

Trên sàn Hà Nội, HNX-Index cũng ghi nhận mức giảm 0,28 điểm tương ứng 0,26% còn 108,24 điểm.

Tuy độ rộng thị trường vẫn nghiêng về số mã tăng nhưng cách biệt đã được rút ngắn đáng kể. Trong khi có 322 mã tăng giá, 58 mã tăng trần thì cũng có 294 mã giảm và 27 mã giảm sàn.

Mặc dù áp lực chốt lời khá lớn song thanh khoản vẫn duy trì cao với tổng số 297,44 triệu cổ phiếu được giao dịch trên HSX tương ứng 5.933,36 tỷ đồng và trên HNX là 49,89 triệu cổ phiếu tương ứng 596,55 tỷ đồng.

VHM phiên này giảm giá đã ảnh hưởng đáng kể đến VN-Index, khiến chỉ số bị kéo giảm 2,24 điểm. Bên cạnh đó, VNM, PLX, TCB, NVL… cũng giảm. Ở chiều ngược lại, BID tăng và đóng góp 1,04 điểm cho VN-Index, GAS, BVH, SAB cũng tiếp tục giữ được trạng thái tăng.

Tại báo cáo phân tích cuối này, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, trong phiên kế tiếp, thị trường dự báo sẽ tăng điểm trở lại và tiến đến thử thách vùng kháng cự 1000-1008 điểm. Đây vẫn được xem là một vùng kháng cự tâm lý mạnh đối với VN-Index ở thời điểm hiện tại.

Do vậy, BVSC cho rằng, thị trường có thể sẽ tiến vào vùng cản này với độ dốc thoải, kèm theo đó là sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu.

Khối ngoại đã trở lại xu hướng mua ròng và nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì hoạt động này trong những phiên còn lại của tuần. Điều này sẽ hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Nhóm cổ phiếu ngân hàng dự kiến sẽ có diễn biến tăng điểm trong tuần này, trong khi dòng tiền sẽ tiếp tục có sự dịch chuyển vào nhóm cổ phiếu vốn hoá trung bình và các cổ phiếu mệnh giá thấp để tìm kiếm lợi nhuận.

Xu hướng của thị trường vẫn được duy trì với mức tăng ngắn hạn. Tuy nhiên, với sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu như dự kiến, BVSC tiếp tục bảo lưu quan điểm các nhà đầu tư nên hạn chế mua đuổi ở các mức giá cao trong phiên. Tỷ trọng tổng danh mục giai đoạn hiện tại được khuyến nghị chỉ nên được khống chế ở mức tối đa 50-60% cổ phiếu.

Chuyên đề