Techcombank “xé rào” góp vốn thành lập Hãng hàng không SkyViet?

(BĐT) - Trong số báo trước, Báo Đấu thầu đề cập việc trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã thành lập Công ty CP Hàng không SkyViet. Dư luận đang đặt câu hỏi: Phía sau việc góp vốn của Techcombank trong thương vụ này là gì?
Vietnam Airlines thừa nhận Techcombank là đơn vị góp vốn thành lập hãng hàng không mới trên cơ sở sắp xếp lại VASCO. Ảnh: Việt Ba
Vietnam Airlines thừa nhận Techcombank là đơn vị góp vốn thành lập hãng hàng không mới trên cơ sở sắp xếp lại VASCO. Ảnh: Việt Ba

“Biến số” Techcom Capital

Theo Đề án thành lập Công ty CP Hàng không SkyViet, Công ty có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, Vietnam Airlines sở hữu 51% (tương ứng 153 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Quản lý Quỹ Kỹ thương (Techcom Capital) sở hữu 48% (tương ứng 144 tỷ đồng); CTCP Phát triển dự án Techcomdeveloper sở hữu 1% vốn điều lệ (tương ứng 3 tỷ đồng).

Nhằm đảm bảo an toàn hoạt động cho các tổ chức tín dụng (TCTD), ngày 20/11/2014, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN (gọi tắt là Thông tư 36) quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo quy định tại Điều 18 của Thông tư 36: “Mức góp vốn mua cổ phần của một ngân hàng thương mại và các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó (trừ trường hợp công ty con, công ty liên kết là công ty quản lý quỹ góp vốn, mua cổ phần từ nguồn vốn của các quỹ do công ty quản lý) vào một doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực được quy định tại Khoản 4, Điều 103 Luật Các TCTD, không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp góp vốn”.

Techcombank có vẻ đã “đứng sang một bên” để 2 công ty thành viên tham gia vào thương vụ làm ăn này. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, đến thời điểm này Quỹ Đầu tư cổ phiếu (TCEF) thuộc Techcom Capital không đủ tiền và các điều kiện khác tham gia vào giao dịch trên.

Cách đây không lâu, Vietnam Airlines là cổ đông sáng lập của Techcombank với việc sở hữu 20% vốn và giảm dần xuống 2,7% vào cuối năm 2013, sau đó bán nốt số cổ phần còn lại cho 3 nhà đầu tư cá nhân. Ở chiều ngược lại, Techcombank đã bạo chi hàng trăm tỷ đồng để trở thành nhà đầu tư tổ chức lớn nhất của Vietnam Airlines vào năm 2014. Chính mối quan hệ qua lại này đã làm mất đi tính khách quan, cạnh tranh trong việc lựa chọn đối tác thành lập hãng hàng không mới trên cơ sở sắp xếp lại VASCO. Việc thành lập công ty cổ phần trên cơ sở sắp xếp lại VASCO do đó đang được hiểu ngầm là cuộc đổi chủ chứ không có nhiều đột phá về chiến lược kinh doanh hay hiệu quả hoạt động như mục tiêu nhiều doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa đã thực hiện.
Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Techcom Capital có vốn điều lệ 40 tỷ đồng, hiện đang quản lý 3 quỹ là: Quỹ Đầu tư trái phiếu; Quỹ Đầu tư cổ phiếu, Quỹ Đầu tư bất động sản Techcom Việt Nam. Theo điều lệ của các quỹ, chỉ có Quỹ TCEF có thể mua cổ phần của các doanh nghiệp có tính chất dài hạn. Hiện TCEF có vốn điều lệ (tổng số vốn bằng tiền do các nhà đầu tư thực góp trong đợt phát hành chứng chỉ quỹ lần đầu ra công chúng) là 60 tỷ đồng.

Theo điều lệ của TCEF, Quỹ không được đầu tư quá 20% tổng giá trị tài sản của Quỹ vào chứng khoán đang lưu hành của một tổ chức phát hành. Bên cạnh đó, Quỹ không được đầu tư vào chứng khoán của một tổ chức phát hành quá 10% tổng giá trị chứng khoán đang lưu hành của tổ chức đó.

Đặc biệt, Mục b, Điểm 10.2, Điều 10 của “Điều lệ tổ chức và hoạt động” của Quỹ TCEF cũng khẳng định, đối với cổ phiếu, Quỹ sẽ chỉ đầu tư vào: “Cổ phiếu niêm yết và cổ phiếu đăng ký giao dịch; cổ phiếu chuẩn bị niêm yết mà có đủ tài liệu chứng minh tổ chức phát hành sẽ hoàn tất hồ sơ niêm yết trong vòng 12 tháng kể từ ngày thực hiện giao dịch”. 

Rõ ràng, những quy định nêu trên trong điều lệ của Quỹ được đưa ra nhằm đảm bảo an toàn tài sản của nhà đầu tư góp vốn và đảm bảo tính thanh khoản cao (dễ dàng chuyển đổi sang tiền khi nhà đầu tư có nhu cầu). Đó là chưa kể đến việc góp vốn đầu tư vào một doanh nghiệp dài hạn như SkyViet với tỷ lệ sinh lời thấp (từ năm 2016 - 2018 lãi 1,94 tỷ đồng trên vốn 300 tỷ đồng), không đáp ứng được mục tiêu kỳ vọng của quỹ này là mang lại cho nhà đầu tư mức lợi tức trên 15%/năm.

Như vậy, tính cả vốn điều lệ và vốn huy động được thông qua Quỹ TCEF, Techcom Capital không đủ số vốn góp vào SkyViet lên đến 144 tỷ đồng. Mặt khác, hàng loạt quy định khắt khe của chính Techcom Capital đề ra cũng không cho phép mang hết vốn của nhà đầu tư đi góp vào một doanh nghiệp thành lập mới, đầu tư rất dài hạn, ẩn chứa nhiều rủi ro.

Hiện tại, Techcom Capital chưa có thông báo nào về việc huy động quỹ mới hoặc tăng vốn điều lệ (số tiền thực góp) của Quỹ TCEF. Vậy công ty con Techcom Capital của Techcombank lấy tiền ở đâu để góp vào SkyViet? Phải chăng Techcombank sẽ là đơn vị bỏ tiền đầu tư vào SkyViet nhưng dưới danh nghĩa Công ty Quản lý quỹ? Và nếu đúng như vậy, Techombank giải thích như thế nào về tỷ lệ đầu tư 49% vào SkyViet trong khi quy định hiện hành cho phép không quá 11%?

Góp ít vốn vẫn được đề xuất vào ghế Chủ tịch HĐQT

Một cách trực tiếp, trong nhiều văn bản, Vietnam Airlines thừa nhận Techcombank là đơn vị góp vốn thành lập hãng hàng không mới trên cơ sở sắp xếp lại VASCO. Đơn cử, trong Thông cáo báo chí mới đây Vietnam Airlines cho biết, Vietnam Airlines sẽ nắm giữ 51% vốn điều lệ, phía Techcombank nắm giữ 49% vốn điều lệ của hãng hàng không cổ phần. Vietnam Airlines góp vốn bằng tài sản hiện hữu do VASCO đang quản lý và khai thác, kho phụ tùng vật tư ATR72…, Techcombank góp vốn bằng tiền mặt.

Một điểm rất đáng chú ý, vẫn theo Thông cáo báo chí trên, mặc dù đóng góp tỷ lệ thấp hơn và là doanh nghiệp ngoài ngành hàng không, nhưng bộ máy tổ chức của hãng hàng không cổ phần sẽ có sự tham gia của đại diện Techcombank với chức danh Chủ tịch HĐQT và Giám đốc điều hành được cử từ Vietnam Airlines.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một nhà đầu tư cho biết, đối với việc chọn đối tác chiến lược, VASCO cần những cổ đông có khả năng hỗ trợ doanh nghiệp trong phát triển kinh doanh, phát triển khách hàng, sản phẩm, dịch vụ. Đó có thể là doanh nghiệp tên tuổi trong lĩnh vực du lịch, cũng có thể là đối tác nước ngoài với thế mạnh về máy bay, hoặc dịch vụ sửa chữa, hỗ trợ..., chứ không phải một đơn vị thuần túy về tài chính, vì mức góp vốn 144 tỷ đồng không phải là lớn. Trước đây, VASCO đã từng hợp tác với Helijet, Region Air, Seoul Air, Tex Air và Helicopter New Zealand… bay taxi du lịch, phục vụ dầu khí, tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu y tế, bảo dưỡng đường điện 500 KV, khảo sát địa chất, gieo hạt trồng rừng... bằng máy bay trực thăng và cánh bằng loại nhỏ.

Theo nguồn tin từ Vietnam Airlines, giá trị tài sản góp vốn được định giá bởi Công ty CP Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC). Báo Đấu thầu sẽ tiếp tục phản ánh về vấn đề định giá tài sản công ty này.

Chuyên đề